OPEC chịu sức ép khi khước từ gia tăng thêm sản lượng dầu

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ tư, ngày 11/05/2022 09:55 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - OPEC đang cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sức ép của Mỹ và các nước Phương Tây, khi liên tục khước từ đề nghị gia tăng hơn nữa sản lượng dầu.

Mới đây, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật, cho phép khởi động quá trình cáo buộc Các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước thành viên vi phạm Luật Chống độc quyền của Mỹ.

Dự luật có tên NOPEC (không OPEC) được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ thông qua nhằm mục tiêu cuối cùng là cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC lên tòa án liên bang, cáo buộc tổ chức này đã liên kết thao túng giá dầu. Nếu vậy Mỹ sẽ có thể tiến hành trừng phạt các quốc gia thành viên OPEC - một bước đi từ lâu đã được xem là có tính sát thương cao nhất mà Mỹ có thể nhằm vào OPEC.

Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) lưu ý, dự luật sẽ còn phải được thông qua bởi Thượng viện và Hạ viện Mỹ, sau đó Tổng thống Mỹ ký ban hành mới có thể thực sự trở thành luật. Suốt 2 thập kỷ qua, bước đi này đã không được Thượng viện Mỹ thông qua. Nhưng lần này, mối lo ngại đang gia tăng, khi tình trạng lạm phát của Mỹ không ngừng dâng cao, trong khi OPEC vẫn liên tục khước từ lời kêu gọi gia tăng hơn nữa sản lượng dầu.

NOPEC không phải là một khái niệm mới mẻ. Nhưng trước đến nay, OPEC vẫn xem đây không gì hơn là những lời hù dọa của Washington, bởi các quốc gia chủ chốt của OPEC như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng là những đồng minh của Washington. Song lần này một không khí thận trọng là những gì có thể cảm nhận.

Các trang báo trích dẫn các số liệu cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Biden đang bị giảm sút, chủ yếu bởi tình trạng lạm phát trong nền kinh tế. Trong khi đó chính trường Mỹ lại đang tiến gần đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Những gì Washington muốn lúc này là cho người dân Mỹ thấy chính quyền đủ sức mạnh để buộc được các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ phải hành động nhằm bình ổn thị trường. Các dự báo cho rằng, những bước đi thực sự mạnh mẽ nhằm vào OPEC sẽ được Mỹ thực hiện sau khi tình hình căng thẳng Nga - Ukraine lắng dịu.

Câu hỏi giờ đây là OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia liệu lần này có khuất phục trước các sức ép của Mỹ?

Báo Tin tức Arab cho biết, trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần NOPEC được nhắc đến là mỗi lần Riyadh phải không ngừng vận động hành lang để đầy trừ mối đe dọa nhưng nó không có nghĩa là nước này dễ dàng lùi bước.

Hồi năm 2019, Saudi Arabia đã từng cảnh báo họ sẵn sàng loại trừ đồng USD khỏi các giao dịch dầu, nếu NOPEC được thông qua. Đây sẽ là một cú giáng không nhỏ tới vị thế của đồng USD.

Một biện pháp đáp cũng được nhiều trang báo nhắc đến, để các quốc gia như Saudi Arabia ngăn chặn NOPEC. Theo đó, Riyadh sẽ có thể mở rộng mua vũ khí từ các nước khác ngoài Mỹ. Đáp trả vào ngành công nghiệp vũ khí vẫn được xem là một bước đi có tác động không nhỏ tới chính trường Mỹ.

OPEC+ giảm dự báo thặng dư thị trường dầu OPEC+ giảm dự báo thặng dư thị trường dầu

VTV.vn - Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đối tác (còn gọi là OPEC+) đã điều chỉnh giảm dự báo thặng dư thị trường dầu năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước