Phát triển ca cao gặp nhiều thách thức

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 14/11/2019 07:36 GMT+7

VTV.vn - Tiềm năng loại cây trồng này lớn nhưng thực tế là trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích cây ca cao ở nước ta lại giảm hơn một nửa.

Gắn bó với cây ca cao từ năm 2003 nhưng đến đầu năm 2017, anh Trần Minh Quang ở xã Ea Nang, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk vẫn cương quyết phá bỏ toàn bộ 2,5 hecta cây trồng này, để chuyển sang trồng hồ tiêu xen lẫn cà phê, dù biết giá hồ tiêu và cà phê đang xuống thấp.

Bên cạnh việc tốn rất nhiều công chăm sóc cho vườn cây, tình hình biến đổi khí hậu trong những năm qua đã khiến cho cây ca cao thường xuyên xuất hiện nhiều dịch bệnh, năng suất bị sụt giảm nghiêm trọng. Và nếu muốn trị bệnh cho cây thì chi phí để đầu tư phun thuốc cũng tăng lên gấp nhiều lần đã khiến cho rất nhiều hộ dân nản lòng và không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 tỉnh Đắk Lắk sẽ có 6.000 hecta cây ca cao nhưng với việc người dân phá bỏ nhiều diện tích ca cao để chuyển sang các loại cây trồng khác nên đến nay, địa phương này chỉ còn khoảng 1.000 hecta. Điều này kéo theo sự ra đi của rất nhiều công ty thu mua tại địa phương có diện tích trồng ca cao lớn nhất cả nước. Đến nay, số công ty thu mua ca cao cho bà con tại tỉnh Đắk Lắk chỉ đếm chưa đầy 1 bàn tay. Và những đơn vị này cũng đang sống trong lo ngại về sự phát triển của công ty mình.

Dù có chất lượng hàng đầu thế giới, có giá thành cao hơn các mặt hàng nông sản truyền thống như hồ tiêu, cà phê nhưng có lẽ, do tốn quá nhiều công sức chăm sóc nên đó chính là nguyên nhân khiến cho diện tích ca cao tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang sụt giảm nghiêm trọng theo từng năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước