Áp lực phát triển điện mặt trời áp mái
Số liệu cập nhật đến hết ngày 31/12/2020, có hơn 100.000 công trình điện mặt trời áp mái được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh.
Một điểm rất đáng chú ý là công suất phát của điện mặt trời áp mái tăng lên rất mạnh chỉ trong ít ngày cuối cùng của năm 2020. Theo đó, trong ngày cuối cùng của năm 2020, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà tăng thêm 2.000 MWp - ngang công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tính chung trong tuần cuối năm 2020, lượng công suất lắp đặt tương đương tổng công suất của 2 thủy điện lớn nhất nước là Sơn La và Hòa Bình. Như vậy, công suất phát điện mặt trời áp mái đang tăng nhanh bất thường.
Phát triển "nóng" điện mặt trời áp mái được đánh giá gây áp lực lớn đến hệ thống truyền tải điện
Chỉ chưa tới 1 năm, chương trình điện mặt trời áp mái 2019-2025 đã vượt chỉ tiêu 1.000 MWp, tổng công suất hoà lưới là gần 9.300 MWp, tương đương với công suất các dự án điện mặt trời mặt đất đã vào vận hành. Như vậy, Việt Nam đã vượt các nước hàng đầu thế giới về tỷ trọng điện mặt trời trong cơ cấu công suất nguồn như Đức và chắc chắn chúng ta đang nhất khu vực ASEAN.
Nhanh liệu đã tốt?
Mặc dù nếu căn cứ số liệu thống kê là tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống nhưng với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày, có nghĩa là nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện cũng đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện. Như vậy giờ thấp điểm trưa phụ tải thấp nhưng điện mặt trời lại phát cao. Trong khi đó thời điểm tối nhu cầu điện tăng cao thì điện mặt trời lại không phát.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng từ các hệ thống điện mặt trời áp mái phát triển sau ngày 31/12/2020. Đến nay, chưa có quyết định mới.
Phát triển ồ ạt điện mặt trời trong khi chính sách thấp thỏm, ngắn hạn và còn thiếu rất nhiều những vấn đề cốt lõi như tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đại diện Bộ Công thương, hiện đã có 16 tiêu chuẩn quốc gia được ban hành bởi Bộ Khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực điện mặt trời nói chung. Tuy nhiên, với 2 thành phần chính của một dự án điện mặt trời áp mái là tấm pin và bộ biến tần thì đang thiếu những tiêu chuẩn cụ thể hơn.
"Tiêu chuẩn là căn cứ để chúng ta đánh giá, so sánh chất lượng, dịch vụ, quy trình và các yếu tố về môi trường khác để thấy được chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ. Do đó tiêu chuẩn là cần thiết. Theo tôi được biết Bộ Khoa học Công nghệ cũng đang có kế hoạch tiếp tục công bố các tiêu chuẩn liên quan đến hai thiết bị chính là tấm quang điện và biến tần trong thời gian tới", ông Nguyễn Hải Ninh - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết.
Vì chưa có bộ tiêu chuẩn đầy đủ trong nước nên thị trường đang đứng trước nguy cơ xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Một lộ trình phát triển như thế nào là hợp lý cho điện mặt trời mái nhà?
Do vị trí địa lý và khí hậu mà giá trị bức xạ của Việt Nam thuộc hàng rất cao trên thế giới, tổng diện tích khả dụng là rất lớn, chiếm gần 14% tổng diện tích toàn quốc. Thuận lợi như vậy, việc phát triển điện mặt trời mái nhà là hợp lý và đúng hướng nhưng tiếp tục bùng nổ các dạng hình điện mặt trời, hay đi với tốc độ hợp lý để có thời gian xử lý các vấn đề phát sinh như tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý tấm quang điện hư hỏng, cũng như quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch điện lực quốc gia là điều cần cân nhắc để điện mặt trời mái nhà góp phần hiệu quả trong giảm áp lực cho hệ thống điện lưới quốc gia chứ không phải ngược lại như hiện nay.
Thực trạng của việc phát triển "nóng" điện mặt trời áp mái tại Việt Nam hiện nay? Một lộ trình phát triển như thế nào là hợp lý cho điện mặt trời mái nhà? Có nên có một chính sách về giá dài hơi hơn với điện mặt trời mái nhà?
Những câu hỏi này sẽ phần nào được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay 6/1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!