Phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

VTV Digital-Thứ hai, ngày 20/05/2024 14:26 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam có thể định vị mình là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính bền vững, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 4, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã ghi nhận sự khởi sắc, với tổng giá trị phát hành đạt 12.100 tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng 3. Đặc biệt, một xu hướng được quan tâm hiện nay là trái phiếu ESG, hay còn gọi là trái phiếu xanh, dù vẫn còn khá khiêm tốn tại Việt Nam, so với các quốc gia khu vực.

Bằng cách cam kết với tầm nhìn dài hạn về trái phiếu xanh, Việt Nam có thể định vị mình là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính bền vững, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là chia sẻ của ông Jeffrey Lee, Quản lý khu vực Mảng Tài chính bền vững Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Moodys Ratings trong khuôn khổ hội nghị "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2024 - Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm".

* PV: Ông có thể chia sẻ một vài gợi ý để phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam?

- Ông Jeffrey Lee - Quản lý về Tài chính bền vững Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Moodys Ratings: Đã có một vài đơn vị phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam, mà trong đó bản thân Moodys cũng tham gia đánh giá độc lập. Tuy nhiên, tăng trưởng về số lượng và quy mô phát hành còn khá khiêm tốn so với các quốc gia khác tại châu Á. Để thúc đẩy thị trường này, trước tiên cần có quy định phân loại những loại tài sản nào có thể dùng cho trái phiếu xanh, như pin mặt trời, cánh đồng điện gió, xe điện, hay các công nghệ thu giữ carbon chẳng hạn. Kế đến là một bộ khung chính sách quốc gia toàn diện về các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho trái phiếu xanh.

* Cơ sở để đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp?

- Theo thống kê toàn cầu, trái phiếu xanh chỉ ưu đãi hơn khoảng 3-5 phần nghìn, thực sự không đáng kể. Bởi để phát hành trái phiếu xanh cũng tốn kém rất nhiều chi phí, từ đơn vị tư vấn, tới quản lý và báo cáo dự án, chưa kể các đơn vị đánh giá trung gian. Do đó không ít quốc gia đã phải đặt ra một bộ khung chính sách tổng thể để doanh nghiệp tiết giảm chi phí trái phiếu xanh thông qua sự hỗ trợ từ chính ngân sách.

* Đó là vấn đề chính sách. Việt Nam còn cần chuẩn bị gì, theo ông?

- Theo tôi là dữ liệu. Như sàn giao dịch của Singapore còn đòi hỏi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ dữ liệu về thực hành ESG. Trên thế giới, Ban Tiêu chuẩn bền vững Quốc tế ISSB còn đang nghiên cứu đưa thực hành này vào trong chuẩn mực báo cáo tài chính doanh nghiệp toàn cầu. Về phía Chính phủ, cần có chính sách khuyến khích hoặc bắt buộc doanh nghiệp công bố thông tin, từ đó nhà đầu tư có thể nhận định rõ hơn về các rủi ro ESG.

* Xin cám ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước