Cảng Anvers là cảng biển lớn thứ hai của châu Âu, đồng thời là điểm trung chuyển gỗ lậu. Tờ Le Soir của Bỉ viết: "Những cuộc điều tra tại Brazil cho thấy, các nhóm buôn lậu ma túy nay đang chuyển sang buôn lậu gỗ" với mức lợi nhuận thu được không thua kém. Bài báo đăng tải bức ảnh đi kèm được chụp tại cảng Anvers, gỗ cây hầu như chưa cắt xẻ, được đưa thẳng từ châu Phi đến Bỉ và từ Bỉ sang các nước châu Âu khác.
Năm 2018, một tổ chức phi chính phủ đã tố cáo đích danh 9 doanh nghiệp của 5 nước châu Âu nhập khẩu gỗ lậu từ Trung Phi vào châu Âu qua Bồ Đào Nha. Nhật báo Diario de Noticias của Bồ Đào Nha cho biết, một công ty của Congo được giao quản lý 40.000km2 rừng nhiệt đới đã vi phạm hầu hết quy định về khai thác. Có thể nói, đa số gỗ từ công ty này là bất hợp pháp. Dù biết điều này nhưng 9 doanh nghiệp châu Âu vẫn mua gỗ của công ty đó. Theo ước tính, "78% lượng gỗ mà công ty này đốn hạ được xuất khẩu sang Trung Quốc, 11% sang châu Âu mà cửa ngõ là các cảng biển của Bồ Đào Nha và Pháp".
Khi nói tới gỗ lậu, người dân thường nghĩ tới gỗ để xây nhà hay đóng bàn ghế, giường tủ. Tuy nhiên, tờ Corriere del Mezzogiorno ra tại Italy cho biết, đối với luật pháp châu Âu, gỗ lậu còn bao gồm cả củi không rõ xuất xứ. Italy có món pizza nổi tiếng và pizza phải nướng bằng củi mới chuẩn chỉnh. Bài trên tờ báo Italy đã viết về chiến dịch kiểm tra của cảnh sát và thuế vụ nước này từ tháng 4/2019 tại hơn 100.000 hiệu bánh pizza ở một số tỉnh miền Nam Italy để xem có hàng nào mua củi có nguồn gốc là gỗ lậu về nướng bánh hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!