Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Không để than phiền về thực hiện Thông tư 02

TTXVN-Thứ ba, ngày 25/04/2023 19:46 GMT+7

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu.

Chiều 25/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền.

Tín dụng tăng trưởng thấp

Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế trong nước đã phải đối mặt với nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán chưa phát huy hiệu quả vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, đặc biệt là việc cung ứng vốn cho các lĩnh vực bất động sản, hạ tầng…

Trong bối cảnh này, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%) với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, khiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp.

Theo Phó Thống đốc, ngoài nguyên nhân cầu tín dụng thấp dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp thì còn có nguyên nhân từ việc thị trường bất động sản gặp khó khăn. Những khó khăn này chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay sau vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại một số ngân hàng đã khiến các ngân hàng thương mại khác phải xem xét điều chỉnh lại quản lý dòng tiền, đảm bảo thanh khoản tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn dẫn đến làm giảm tăng trưởng tín dụng.

Phó Thống đốc cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, toàn nền kinh tế, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng hầu hết công cụ, dư địa có thể để can thiệp nhằm ổn định thị trường.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều đồng thuận và đánh giá cao các chính sách được Ngân hàng Nhà nước ban hành thời gian qua.

Theo lãnh đạo ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế, không phải vướng mắc từ cơ chế chính sách.

"Tại Agribank tín dụng chỉ tăng ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn ở các khu vực khác, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp thậm chí còn tăng trưởng âm", đại diện Ngân hàng Agribank nói.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị trực thuộc triển khai.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản. Cùng đó, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp "nội bộ" có nguy cơ rủi ro lớn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Không để than phiền về thực hiện Thông tư 02 - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Theo bà Hà Thu Giang, mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng; cùng với đó, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, về góc độ của tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Vì vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Lê Ngọc Lâm, cho biết, BIDV sẽ nhanh chóng triển khai nội dung của thông tư trên toàn hệ thống để nhanh chóng giúp người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.

Trước đó, vào sáng 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ

VTV.vn - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước