Chứng khoán Mỹ đã khép lại tháng 2 ảm đạm khi cả 3 chỉ số chính đều mất điểm, nặng nhất là chỉ số Dow Jones để mất số điểm tương đương 4,2% giá trị. Bước sang ngày giao dịch đầu tiên của tháng 3 (đêm 1/3, theo giờ Việt Nam) các nhà đầu tư kỳ vọng tháng bản lề cho tăng trưởng của thị trường sẽ giúp lấy lại đà hồi phục.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch ngày 1/3 khi đón nhận thêm các dữ liệu kinh tế và báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp không được lạc quan. Khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ với các nhà quản lý mua hàng cho thấy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế nước này đang chậm lại. Trong khi, Bộ Thương mại cũng vừa công bố, chi tiêu cho xây dựng trong tháng 1 sụt giảm so với tháng 12/2022.
Các thông tin này đã khiến 2/3 chỉ số chính tiếp tục bị bán ra. Riêng chỉ số công nghiệp Dow Jones, cuối phiên, quay đầu chuyển sang sắc xanh với mức tăng điểm nhẹ.
Chứng khoán Mỹ biến động trong phiên đầu của tháng bản lề. Ảnh minh họa.
Thông tin cộng hưởng từ tháng 2 là lạm phát vẫn tiếp tục giữ ở mức cao. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải tăng lãi suất tiếp ngay trong cuộc họp kết thúc vào ngày 22/3 tới.
Công cụ theo dõi FED của CME cho thấy khả năng FED sẽ tăng 0,25 điểm % trong tháng 3 này là 69,4%, còn phương án tăng 0,5% có xác suất là 30,6%. Một tỷ lệ tương tự cũng đang được đưa ra đối với cuộc họp vào tháng 5.
Hiện nay đang có 2 quan điểm về các bước đi tiếp theo của FED trong năm nay. Một số nhà phân tích thận trọng thì cho rằng FED có thể đưa các mức lãi suất lên tới mốc 6%.
Tuy nhiên, đa phần tin rằng FED sẽ phải dừng ở ngưỡng hơn 5,3%, nghĩa là dừng việc tăng lãi suất vào nửa cuối năm nay. Lý do được đưa ra là dù lạm phát có thể còn cao nhưng FED sẽ không thể mạo hiểm hy sinh tăng trưởng đến mức để nền kinh tế lún vào suy thoái quá sâu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!