Hình minh họa.
Chứng khoán Mỹ nhanh chóng rút lại đà tăng có được vào đầu phiên giao dịch ngày 14/12 và quay đầu giảm điểm sau thông báo về quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và báo hiệu chính sách lãi suất cao sẽ duy trì trong thời gian dài hơn.
Tại cuộc họp chính sách ngày 14/12, FED đã ra quyết định tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng này thêm 0,5 điểm phần trăm, lên mức 4,25-4,5%. Đây là đợt tăng lãi suất quy mô nhỏ nhất của FED kể từ tháng 6/2022, khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Mặc dù vậy, các hộ gia đình Mỹ vẫn sẽ chứng kiến lãi suất đối với các khoản thế chấp, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng tăng cao trong năm tới. Các nhà lãnh đạo FED đã cam kết giữ lãi suất cao cho đến khi lạm phát được kiềm chế hiệu quả.
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, Phố Wall đã đảo chiều mạnh mẽ và đánh mất đà tăng ở đầu phiên. Chỉ số Dow Jones giảm 312,54 điểm (0,92%), xuống 33.796,1 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 43,3 điểm (1,08%), xuống 3.976,35 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 157,77 điểm (1,4%), xuống 11.099,04 điểm.
Hiện các nhà đầu tư đang xem xét các bình luận từ cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell để hiểu rõ hơn về lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng này trong cuộc chiến chống lại lạm phát cao của họ.
Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/12, tỷ lệ lạm phát hàng năm được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống 7,1% trong tháng 11/2022, từ mức 7,7% trong tháng 10. Mặc dù tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức cao nhất là 9,1% vào tháng 6, nhưng vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED.
Với tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao, các quan chức FED đã miễn cưỡng giảm bớt tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn lo ngại rằng sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm lại ở nước ngoài và những tác động chưa thể hiện của việc tăng lãi suất sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái nếu FED không giảm bớt áp lực lên nền kinh tế.
Chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong năm nay làm gia tăng lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể bị đẩy vào suy thoái và đè nặng lên các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu. Cả ba chỉ số chính ở Phố Wall đều đang trên đà chứng kiến mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018 và mức giảm theo điểm phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!