Phụ nữ mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn của thị trường tài chính

P.V (t/h)-Thứ tư, ngày 08/03/2023 15:42 GMT+7

VTV.vn - Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, phụ nữ ngày càng tham gia đầu tư tài chính nhiều hơn.

Với đặc tính tỉ mẩn, chỉn chu và luôn chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra trong tương lai… mà kết quả đầu tư của nữ giới thường hiệu quả hơn nam giới, nhất là trong bối cảnh khó khăn. Trong báo cáo của Fidelity Investment cho thấy, trong vòng 10 năm từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2020, trung bình phụ nữ có kết quả đầu tư cao hơn so với nam giới, đặc biệt đây lại là một giai đoạn nhiều khó khăn của thị trường tài chính. Cùng BTV Mùi Khánh Ly trò chuyện với một số doanh nhân nữ xung quanh câu chuyện này.

Phụ nữ mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn của thị trường tài chính - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Như hai bà cũng đã thấy, phụ nữ tham gia đầu tư tài chính ngày càng nhiều hơn, vậy theo hai bà, chất lượng đầu tư của phụ nữ liệu có thua kém nam giới hay không ạ?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF): Số liệu gần nhất ở VCBF cho thấy khoảng 48,5% nhà đầu tư là nữ và chiếm khoảng 49,5% về giá trị. Tuy nhiên, so sánh hai quỹ thành lập gần nhau, ấy là quỹ cổ phiếu hàng đầu VCBF-BCF và quỹ cân bằng chiến lược VCBF-TBF cho thấy: Quỹ cân bằng chiến lược có tỷ lệ nhà đầu tư nữ tham gia nhiều hơn, chiếm trên 51% và giá trị đầu tư chiếm khoảng gần 54%. Điều này cho thấy nhà đầu tư nữ có xu hướng lựa chọn các khoản đầu tư có tính rủi ro thấp hơn, an toàn hơn. Tuy vậy, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù nhà đầu tư nữ ít mạo hiểm nhưng lợi nhuận mà họ đạt được thì lại cao hơn so với nhà đầu tư nam. Một nghiên cứu của Fidelity Investment cho thấy cho lợi nhuận của các nhà đầu tư nữ trong vòng 10 năm, từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2020, có lợi nhuận trung bình cao hơn so với các nhà đầu tư nam khoảng 0,4%.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital): Tôi cũng đồng tình với bà Nga. Thực ra ngay tại FPT Capital chúng tôi, qua nghiên cứu trong số khoảng 60% số lượng khách hàng đầu tư là tổ chức và 40% khách hàng đầu tư là cá nhân thì số lượng các nhà đầu tư nữ giới hoặc là doanh nghiệp do nữ giới làm chủ chỉ chiếm khoảng 30% thôi. Tuy nhiên, chất lượng đầu tư và hiệu quả danh mục đầu tư thường cao hơn. Khi chúng tôi vừa hoàn thành giai đoạn IPO cho quỹ mới là quỹ ETF-VNX50, thì một điều rất bất ngờ với chính ngay cả chúng tôi, đó là 93,3% số lượng các nhà đầu tư đã đăng ký mua chứng chỉ quỹ trong giai đoạn vừa rồi lại đến từ nữ giới và các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nữ hiện nay ngày càng tự tin hơn, chủ động tìm hiểu các sản phẩm đầu tư mới trên thị trường và đặc biệt là các sản phẩm đầu tư mang tính phòng hộ.

BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều ý kiến đánh giá, trên thế giới thường có những nhà đầu tư huyền thoại là nam giới, hay các chủ doanh nghiệp đình đám cũng là nam giới… còn nữ thì có vẻ ít hơn, theo hai bà thì tại sao?

Phụ nữ mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn của thị trường tài chính - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF): Có thể nói. ngành quản lý quỹ cũng thường bị thống trị bởi nam giới. Theo thống kê của Hiệp hội CFA, là hiệp hội của các nhà phân tích tài chính, chỉ có một người phụ nữ trong tổng số 5 thành viên của Hiệp hội thôi, tức là chỉ chiếm khoảng 20% và số lượng nữ giới là thành viên của hiệp hội và quản lý quỹ hay là lãnh đạo công ty quản lý quỹ thì chiếm khoảng 10%. Điều đó cho thấy, hầu hết ngành quản lý quỹ do nam giới làm chủ. Giải thích cho điều này, có thể lý do là bởi vì ngành này yêu cầu sự di chuyển nhiều, đặc biệt là những quỹ đầu tư trên toàn thế giới hay là đầu tư vùng. Đó là một cản trở rất lớn cho các nhà đầu tư phụ nữ. Những người phụ nữ mà làm trong ngành này thì cũng thường ở các vị trí, ví dụ như phân tích về kết quả đầu tư hay là giám sát tuân thủ, hoặc quản lý rủi ro. Và điều đó cũng giải thích tại sao những nhà đầu tư lớn, có thể nói là huyền thoại trên thế giới, chủ yếu là nam giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, trong một cuốn sách viết về phong cách đầu tư của Warren Buffett, cuốn sách này đã viết là: Warren Buffett đầu tư như một phụ nữ với 8 lý do họ đưa ra. Trong đó, một số lý do chính, đó là phụ nữ thường họ giao dịch ít hơn, họ sẽ cẩn thận hơn và họ không tự tin thái quá. Trong khi nam giới thường nghĩ mình biết mọi thứ, còn nữ giới thì họ lại biết rõ những cái gì họ không biết. Và họ thường tránh được sự mạo hiểm tốt hơn, chính vì thế mà kết quả của họ tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital): Tôi cũng rất là chia sẻ với cả quan điểm của bà Nga và muốn bổ sung thêm, đó là tuy không có những tên tuổi lừng lẫy như nam giới, tuy nhiên, cũng có những tên tuổi phụ nữ mà khiến cánh mày râu chắc phải thán phục. Ví dụ như Abigail Johnson - một nữ tỷ phú người Mỹ và là Chủ tịch kiêm Giám đốc của Fidelity Investments, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Hay là Cathie Wood, Founder kiêm CEO của Ark Invest. Đó là những tên tuổi mà tôi nghĩ đã được chứng minh trong làng đầu tư thế giới rồi. Qquay trở lại với chính người Việt Nam chúng ta thì không thể không nhắc tới những nữ tướng đã trở thành huyền thoại với một số những doanh nghiệp lớn. Ví dụ như bà Mai Kiều Liên của Vinamilk, bà Nguyễn Thị Nga của Tập đoàn BRG hay bà Nguyễn Thị Mai Thanh của Tập đoàn REE. Hay chính trong Tập đoàn FPT, dù là nam giới lãnh đạo đang là số đông, cũng không thể không nhắc đến vai trò nổi bật của hai nữ tướng đã là top 20 các founder gần đây, đó là chị Chu Thị Thanh Hà hay là nữ tướng Nguyễn Bạch Điệp. Tôi nghĩ rằng những ví dụ trên cho thấy rằng phụ nữ ngày càng trở nên giỏi giang hơn, xuất sắc hơn trong việc điều hành doanh nghiệp cũng như trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

BTV Mùi Khánh Ly: Hiện nay, trong bối cảnh thị trường tài chính trong và ngoài nước gặp những khó khăn nhất định như lãi suất cao, lạm phát chưa thực sự thuyên giảm… theo đánh giá của hai bà cũng là lãnh đạo hai doanh nghiệp, nhà đầu tư nữ giới đã và đang vượt qua giai đoạn này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF): Thực ra, phụ nữ thì thường sẽ kiên nhẫn hơn và họ sẽ nắm giữ các khoản đầu tư dài hơn và giao dịch ít hơn. Có những nghiên cứu cho thấy, thời gian nắm giữ trung bình của các nhà đầu tư nữ, ở Mỹ chẳng hạn, vào khoảng 10,7 năm so với nam chỉ là 8,3 năm thôi. Hay ví dụ như ở chính các quỹ của chúng tôi, số lượng nhà đầu tư nữ có thời gian ở lại với quỹ cho đến bây giờ cao hơn so với cả nam giới khoảng 34% đến 54%, tùy thuộc vào quỹ. Họ nắm giữ trung bình khoảng hơn 1.030 ngày so với cả nam giới chỉ khoảng dưới 800 ngày thôi. Điều đó cũng cho thấy nhà đầu tư nữ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh hơn. Hay là những nghiên cứu gần đây khi mà thị trường rất biến động như năm 2022 chẳng hạn, số lượng nhà đầu tư nữ mà rút khỏi thị trường hay là dừng các khoản đầu tư cho kế hoạch hưu trí của họ thì ít hơn rất nhiều so với nam giới. Và thực tế đã chứng minh là khi mà đầu tư, thì việc chúng ta mua bán liên tục sẽ có kết quả không bằng việc chúng ta liên tục đầu tư và đầu tư có kỷ luật. Và như vậy, kết quả của nhà đầu tư nữ thường là sẽ tốt hơn nam, kể cả trong bối cảnh thị trường có biến động. Trong một nghiên cứu của Investment Metric cho thấy, những quỹ mà quản lý bởi nữ giới hay đồng quản lý bởi nữ giới có lợi nhuận trong vòng 9 tháng năm 2022 cao hơn so với cả các quỹ quản lý bởi nam giới khoảng 3,3%. Và đây giai đoạn thị trường rất biến động.

Phụ nữ mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn của thị trường tài chính - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital): Trong số các khách hàng của FPT Capital, chỉ có khoảng 30% khách hàng là nữ giới hoặc là doanh nghiệp do nữ giới làm chủ, thế nhưng, có một đặc điểm là nữ giới thường thận trọng, phân tích tỉ mỉ. Ngoài ra, trước khi mà quyết định đầu tư thì họ cân nhắc rất là kỹ. Và chính vì vậy, khi thị trường biến động thì sự dao động của họ thường ít hơn so với nam giới. Và họ đa phần là những khách hàng dài hạn, chọn những cổ phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu, có tỷ lệ dự trữ tiền mặt cao, ít nợ vay hoặc là những doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt hàng năm đều đặn. Chính vì thế, kể cả trong trường hợp thị trường biến động mạnh, thì gần như là danh mục của họ cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

BTV Mùi Khánh Ly: Còn đối với hai bà cũng đang là các lãnh đạo doanh nghiệp thì với sự nhạy cảm và thận trọng của người phụ nữ, hai bà đánh giá năm nay nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng sẽ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF): Thực ra, VCBF thì cũng không bao giờ dự đoán về thị trường. Nhưng mà chúng tôi cũng có đánh giá những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường. Năm nay, chúng tôi nhận thấy là áp lực tăng lãi suất thì vẫn còn. Bởi vì lạm phát tháng một của Mỹ vẫn tăng 0,5%, rồi một chỉ số mà FED rất quan tâm để sử dụng trong điều hành chính sách tiền tệ, đó là chỉ số giá của hàng tiêu dùng cá nhân cũng tăng 0,6%. Và sau số liệu về lạm phát tháng 1/2023, hầu hết nhà đầu tư cũng khá thận trọng đối với chính sách tiền tệ của Mỹ. Bây giờ thì thị trường đang đánh giá là Mỹ có thể sẽ phải tăng lãi suất thêm khoảng 0,75% nữa, hoặc cũng có thể chia thành hai hoặc ba lần. Như vậy sẽ đưa lãi suất đỉnh của Mỹ lên tới 5,25 cho đến 5,5% - đây là mức rất cao. Điều này cũng cho thấy là lãi suất cao này có thể kéo dài đến hết năm 2023 và FED có thể chỉ giảm lãi suất trong năm 2024.

Tuy vậy, tôi thấy rằng là chu kỳ kinh tế này rất khác so với các chu kỳ trước, bởi vì nó bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ví dụ như ở Mỹ chẳng hạn, mặc dù là khối sản xuất có giảm, như quý 3 tăng trưởng của khối sản xuất giảm 1,3% nhưng khối dịch vụ lại tăng 4,9% và được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới và nó cũng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Còn kinh tế Trung Quốc cũng đang mở cửa dần trở lại và có thể hỗ trợ cho các nước.

Còn nhìn về Việt Nam, cũng có một vấn đề đáng lưu ý là số lượng, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong năm 2023 là rất lớn, khoảng 250.000 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 90.000 tỷ đồng là từ các công ty bất động sản. Tuy vậy, bản thân kinh tế Việt Nam cũng có rất nhiều điểm sáng, chúng ta cũng biết là giá trị FDI giải ngân trong vòng 3 năm, từ 2020 đến năm 2022 đạt trên 60 tỉ USD, nó sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo ra xuất khẩu trong thời gian tới. Hay là Trung Quốc mở cửa và khách du lịch Trung Quốc được kỳ vọng sẽ quay trở lại Việt Nam kể từ cuối năm 2023, cũng như kỳ vọng về Chính phủ thúc đẩy đầu tư công… Quan trọng là những khó khăn trên, có thể nói là thị trường đã lường trước được rồi.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital): Chúng ta đã đi qua được hai tháng của năm 2023 và chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, vấn đề hạt nhân vẫn đang bỏ ngỏ. Vừa qua, World Bank cũng đã công bố báo cáo về dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu. Theo đấy, số liệu đã thấp hơn rất nhiều so với số liệu công bố hồi tháng 6/2022, tỷ lệ đang là 1,7% dự báo cho năm 2023, thay thế cho mức 3% đã công bố trước đó. Điều này cho thấy rằng năm 2023 là một năm thật sự rất khó đoán với nhiều ẩn số đến từ trong và ngoài nước như là lạm phát, lãi suất tăng cao…Tuy nhiên, không thể không nói đến việc kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định trong năm 2023. Ví dụ như việc Trung Quốc đã mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tăng doanh thu dịch vụ. Ngoài ra thì chúng ta cũng thấy rằng, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, cơ cấu dân số vàng. Ngoài ra, kỳ vọng nâng hạng thị trường vào năm 2025 có thể thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sớm vào thị trường Việt Nam. Theo tôi là trong nguy có cơ. Thế nên tôi vẫn tin tưởng rằng năm 2023 chúng ta tuy không quá lạc quan nhưng cũng không quá bi quan, có thể đến nửa sau năm 2023 sẽ tốt hơn. Và nếu trong trường hợp những nhà đầu tư nào có thể nắm bắt được thời cơ này thì có thể được hưởng trái ngọt vào cuối năm.

BTV Mùi Khánh Ly: Những khó khăn kể trên liệu có làm ảnh hưởng đến việc nữ giới tham gia trên thị trường tài chính hay không?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF): Những giai đoạn thị trường khó khăn như vậy cũng chính là cơ hội để cho nhà đầu tư đầu tư. Đối với cả những nhà đầu tư nữ thì khi mà họ có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn, nắm giữ những khoản đầu tư hay là tiếp tục đầu tư trong những giai đoạn thị trường biến động thì khi thị trường phục hồi, họ sẽ là những người được hưởng lợi nhất.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ FPT (FPT Capital): Như tôi và bà Nga có chia sẻ lúc đầu, với những đặc tính về giới của nhà đầu tư nữ, tôi nghĩ rằng có nhiều điều còn khó khăn hơn mà phụ nữ chúng ta đều không lùi bước, nhất là khi chúng ta vừa trải qua khi năm 2022 đã có rất nhiều biến động rồi, năm 2023, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ mang theo tinh thần lạc quan để có thể tiếp tục phát huy ý chí của người phụ nữ thời đại mới, chủ động đón nhận và chủ động đầu tư vào những sản phẩm mà mình hiểu biết.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai bà về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước