Quan hệ thương mại Việt Nam - Bỉ: “Đường cao tốc” kết nối thương mại EU - ASEAN

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 26/04/2021 18:06 GMT+7

VTV.vn - Sau gần 1 năm EVFTA có hiệu lực và Việt Nam tham gia RCEP, hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Bỉ được ví là đường cao tốc kết nối thương mại EU - ASEAN.

Tuy nhiên, đường cao tốc này chưa thể thông tuyến khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cộng thêm những thủ tục kinh doanh giữa hai nước còn khác biệt.

"Tôi muốn tìm đối tác sản xuất thức ăn chăn nuôi tích hợp protein mới do chúng tôi nghiên cứu từ nguyên liệu ở Việt Nam 2 năm trước và xuất ngược lại Bỉ, các nước châu Á", ông Danny Van Mullem, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lambers - Seghers, cho hay.

"Tôi cần đối tác phân phối sản phẩm ở Việt Nam thay vì thông qua trung gian như hiện nay", ông Stij De Neve, Giám đốc kinh doanh Công ty Delirium, chia sẻ.

"Với EVFTA và RCEP, Việt Nam là đối tác lớn nhất của chúng tôi tại ASEAN, là trung tâm kết nối đầu tư Âu - Á", ông Eric Franssen, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn John Cockerill, nhận định.

Những doanh nghiệp Bỉ đang nóng lòng muốn đến Việt Nam đầu tư kinh doanh, đón đầu hiệu ứng của Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, những kế hoạch làm ăn, hợp đồng đã ký với các đối tác Việt Nam của họ đang bị trì hoãn và có nguy cơ phải hủy bỏ trong năm nay khi đại dịch chưa có hồi kết.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Bỉ: “Đường cao tốc” kết nối thương mại EU - ASEAN - Ảnh 1.

Để quan hệ thương mại Việt - Bỉ xứng tầm là đường cao tốc kết nối EU - ASEAN, Việt Nam và Bỉ cần sớm gỡ bỏ những khác biệt về thủ tục kinh doanh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Hiện rào cản lớn nhất với doanh nghiệp hai nước là các biện pháp phòng dịch. Tôi mong rằng Việt Nam có thể cho chúng tôi sử dụng nhận hộ chiếu vaccin đến Việt Nam làm ăn", ông Vermeulen Philippe, Tập đoàn Năng lượng Avalon, bày tỏ.

Từng làm ăn ở Việt Nam nhiều năm, những doanh nhân Bỉ như ông Philippe cho biết, có một mâu thuẫn xảy ra trong thời COVID-19 là trong khi các chuyến bay dành cho các nhà đầu tư còn hạn chế, văn hóa làm việc ở Việt Nam lại yêu cầu trực tiếp có mặt khi làm các thủ tục ngân hàng, công chứng…, đặc biệt là việc gặp gỡ đối tác đầu tư mới.

"Đôi khi các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn để thích ứng với cách kinh doanh của châu Âu và ngược lại chúng tôi cũng phải thích ứng với cách làm việc của các bạn", ông Vermeulen Philippe, Tập đoàn Năng lượng Avalon, cho biết.

"Họ đặt ra những câu hỏi mà chúng ta cũng phải suy nghĩ trong cái bối cảnh chúng ta cũng đang đặt ưu tiên, đó là kinh tế số. Vậy chữ ký điện tử hay trao đổi qua trực tuyến có được không. Và họ cũng mong muốn sắp tới, ta có những biện pháp để họ có thể làm thủ tục nhanh chóng", ông Vũ Anh Quang, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, chia sẻ.

Năm 2020, dù chịu tác động của đại dịch, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Bỉ vẫn tăng 6,4%, đóng góp vào mức tăng 10% kim ngạch thương mại Việt Nam - EU, cũng như EU - ASEAN.

Để quan hệ thương mại Việt - Bỉ xứng tầm là đường cao tốc kết nối EU - ASEAN, Việt Nam và Bỉ cần sớm gỡ bỏ những khác biệt về thủ tục kinh doanh, đồng thời điều chỉnh các biện pháp chống dịch, đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Kỳ vọng mới cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Bỉ Kỳ vọng mới cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Bỉ

VTV.vn - Trong các nước EU, Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều đạt khoảng 1,2 tỷ Euro.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước