Theo ông Pier Giorgio Aliberti - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam: "Hiệp định EVFTA sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai bên. Người dân Việt Nam sẽ mua được những sản phẩm chất lượng cao của châu Âu, giá cả phải chăng hơn. Giá trị lợi ích của doanh doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường EU có tiêu chuẩn cao, sức mua lớn.
Chúng tôi đánh gia tích cực việc Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, sau đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội vàng. Sau COVID-19, mọi người trên toàn cầu chúng ta không nên chỉ tập trung vào một quốc gia mà phải là đa dạng hóa. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các quốc gia trong khu vực. Đây là cơ hội mà Việt Nam cần phải nắm bắt".
Các dấu mốc đàm phám Hiệp định EVFTA
- Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
- Tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
- Sau 14 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên đã khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
- Tháng 6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA.
- Tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua cả hai Hiệp định này.
- Ngày 30/6/2019, hai Hiệp định đã được ký kết tại thủ đô Hà Nội.
- Ngày 21/01/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
- Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA.
- Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định EVFTA.
Theo quy định hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1/8 tới đây.
Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam, với một lộ trình hướng tới việc từng bước xóa bỏ thuế quan là 10 năm. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đóng góp của EVFTA vào GDP của Việt Nam dự kiến tăng 2,4%. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 12% và giảm đói nghèo cho khoảng 800.000 người.
Người đứng đầu Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, với việc ký kết FTA cùng EU, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi có thể tiếp cận thị trường như EU, nếu so sánh với các quốc gia, nền kinh tế khác có sự tương đồng trong khu vực.
"Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm của EU với tiêu chuẩn cao, giá cả phải chăng hơn và cũng có những giá trị lợi ích cho nhà sản xuất của Việt Nam khi họ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn tới một thị trường tiêu chuẩn cao, có sức mua lớn", Đại sứ Giorgio Aliberti nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!