Quy hoạch Điện VIII: Khắc phục mất cân đối nguồn điện

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 15/10/2021 08:58 GMT+7

VTV.vn - Để đảm bảo cung cấp đủ điện, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch điện VIII khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.

Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) sau khi được Hội đồng Thẩm định thông qua đã được Bộ Công Thương hoàn thiện và gửi tờ trình lên Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch Điện VIII: Khắc phục mất cân đối nguồn điện - Ảnh 1.

Quy hoạch điện VIII khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Quy hoạch điện VIII khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9 - 13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5 - 28,4% vào năm 2045.

Theo Bộ Công thương, đề án Quy hoạch điện VIII đã hướng tới khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, phát triển cân đối, hài hòa công suất nguồn trên từng vùng, giảm tổn thất truyền tải và khai thác hiệu quả các nguồn điện.

Sau khi tiếp thu và điều chỉnh đề án, các nguồn điện đã có sự cân đối hơn. Trong đó, nhiệt điện than giảm tỷ trọng đáng kể so với hiện nay, còn nhiệt điện khí sẽ tăng lên. Nhiệt điện than đến năm 2030 là 40.899 MW, chiếm tỷ lệ 28,4 - 31,4%. Còn nhiệt điện khí năm 2030 tăng rất mạnh, công suất lên đến 27.471 - 32.271 MW chiếm tỷ lệ 21,1 - 22,4%.

Đáng lưu ý, đến năm 2045, tỷ trọng nhiệt điện than giảm xuống, chỉ chiếm 15,4 - 19,4%, còn nhiệt điện khí (tính cả LNG) tiếp tục tăng lên, chiếm tỷ lệ 23,5 - 26,9%.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 10 năm tới và khoảng 5,7%/năm giai đoạn tiếp theo đến năm 2045, các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện cũng sẽ được sử dụng, khai thác triệt để và hiệu quả.

Về cơ cấu điện sản xuất, Quy hoạch điện VIII cũng nêu rõ, năm 2025 tỷ trọng thủy điện là 23,2 - 24%, nhiệt điện than 40,5 - 42,4%, nhiệt điện khí 13,1 - 15,3%, nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (gió, mặt trời, sinh khối, ...) 16,4 - 17,1%, nhập khẩu 4,1 - 4,5%. Đến năm 2045, thủy điện là 8,2 - 9,8%, nhiệt điện than 27,4 - 32,4%, nhiệt điện khí 28,4 - 33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5 - 28,4%, nhập khẩu 3,05 - 3,1%.

Bộ Công Thương đánh giá, với chương trình phát triển nguồn điện như trên, điện năng sản xuất và nhập khẩu các giai đoạn trong Quy hoạch điện VIII đều đáp ứng nhu cầu điện dự báo.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện truyền tải tại Quy hoạch điện VIII cũng được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao; khắc phục các tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất các nguồn điện sẽ tiếp tục được rà soát thêm trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII để phù hợp với khả năng giải tỏa công suất của lưới điện và khả năng vận hành an toàn của hệ thống điện.

Bộ kiến nghị lựa chọn kịch bản phụ tải cao làm phương án điều hành, nhằm đảm bảo mức dự phòng nguồn điện hợp lý, từ đó đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045.

Khủng hoảng điện ở Trung Quốc: 'Thiên nga đen' hay 'tê giác xám'? Khủng hoảng điện ở Trung Quốc: "Thiên nga đen" hay "tê giác xám"?

VTV.vn - Việc thiếu than và giá than liên tục tăng diễn ra từ đầu năm nay buộc Trung Quốc phải điều chỉnh cơ chế kiểm soát sản lượng và giá nhiệt điện theo hướng thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước