Từ hôm qua (22/9), chính quyền TP Hồ Chí Minh dừng việc tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho tài xế giao hàng (shipper) tại các trạm y tế lưu động sau khi xảy ra tình trạng quá tải tại một số điểm những ngày qua.
Phương án thay thế được đưa ra là từ ngày 24/9, các doanh nghiệp quản lý shipper, sẽ phải tự tổ chức và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm để shipper đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp tỏ ra bối rối khi lên phương án hoạt động, kèm theo lo ngại nhiều bất cập có thể phát sinh.
Tính đến 22/9, chỉ có hãng gọi xe Be cho biết đã có cụ thể phương án tự tổ chức xét nghiệm cho shipper từ ngày 24/9. Đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền quận, huyện bố trí địa điểm, đội ngũ chuyên viên riêng để xét nghiệm cho hàng nghìn tài xế đang hoạt động. Be cho rằng nhờ quy trình được số hóa, thời gian xét nghiệm được tiết giảm, giúp tài xế chủ động thời gian làm việc hơn.
"Toàn bộ quy trình được quản lý bằng nền tảng công nghệ, giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, thanh toán trực tuyến, quản lý dữ liệu chặt chẽ trong việc phối hợp với cơ quan chức năng, đồng thời đảm bảo chi phí hợp lý nhất có thể", thông báo của Be cho biết.
Nhiều hãng vẫn chưa có phương án tự xét nghiệm cho shipper
Tuy nhiên các hãng gọi xe có lượng tài xế đang hoạt động lên đến vài chục nghìn người như Gojek, ShopeeFood hay Grab đều chưa chốt được phương án triển khai.
Đại diện Gojek cho rằng, lượng shipper đông khiến doanh nghiệp không đủ nguồn lực vì phải tổ chức nhiều điểm, với tần suất 3 ngày 1 lần. Lực lượng lấy mẫu và đọc kết quả lại không chuyên nghiệp, dẫn đến rủi ro hiệu quả xét nghiệm thấp.
"Khi hiệu quả xét nghiệm thấp, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, hàng hoá khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn", ông Đặng Hoàng Linh - Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ, Gojek Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố cho biết hiện vẫn đang chờ duyệt phương án hoạt động của tổng cộng 34 doanh nghiệp quản lý shipper. Cơ bản doanh nghiệp có 2 phương án: 1 là tổ chức tự xét nghiệm. 2 là thuê một đơn vị bên ngoài để thực hiện. Với cả 2 phương án, đều được chính quyền hỗ trợ miễn phí bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên đến hết ngày 30/9.
Sở đánh giá, riêng khoản chi phí tổ chức tự xét nghiệm không đến mức khiến doanh nghiệp phải tăng giá cước.
"Thực tế chi phí này tăng lên không bao nhiêu, và doanh nghiệp có trao đổi họ sẽ đồng hành với TP về việc này. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề giám sát, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc báo kết quả xét nghiệm của shipper do mình quản lý lên cổng thông tin", ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.
Sở Công Thương cho rằng hiện tại chưa thể nói được là lượng shipper sau ngày 23/9 có sụt giảm so với con số 83.000 shipper đang được hoạt động hay không. Nếu số lượng sụt giảm nhiều, sẽ ảnh hưởng đến giá cước do cầu vượt cung.
Theo giới chuyên gia để tránh tình trạng sụt giảm shipper, về lâu dài cần có nhiều phương án linh hoạt hơn cho doanh nghiệp lựa chọn, như giảm tần suất xét nghiệm. Hay vẫn tổ chức xét nghiệm tại trạm y tế lưu động - nhưng để doanh nghiệp dùng công nghệ điều phối thời gian xét nghiệm để tránh tình trạng quá tải vào 1 thời điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!