Sản lượng dầu thế giới có thể giảm sâu vào cuối thập kỷ

VTV Digital-Thứ ba, ngày 14/12/2021 16:20 GMT+7

VTV.vn - Saudi Arabia vừa đưa ra cảnh báo cho rằng sản lượng dầu toàn cầu có thể sụt giảm 30% vào cuối thập kỷ này, do tình trạng thiếu hụt đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, việc không có đủ đầu tư vào ngành năng lượng sẽ khiến thế giới phải đối mặt với một giai đoạn nguy hiểm, với sản lượng dầu hàng ngày sụt giảm 30 triệu thùng vào năm 2030.

Sản lượng dầu thế giới có thể giảm sâu vào cuối thập kỷ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: iStock)

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tổng chi tiêu của toàn cầu vào các dự án dầu và khí đốt đã giảm 30% xuống 309 tỷ USD trong năm 2020 và hiện mới chỉ đang phục hồi ở mức hạn chế.

Trái ngược với quan điểm của các nước xuất khẩu dầu như Saudi Arabia, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và nhiều chuyên gia về khí hậu hiện đang kêu gọi các nước ngừng đầu tư mới vào nhiên liệu hóa thạch, để đảm bảo mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, thuộc nhóm số ít các quốc gia vẫn đang chi ra hàng tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất năng lượng. Saudi Arabia đang cố gắng nâng sản lượng lên 13 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027 từ mức 12 triệu thùng hiện tại.

Trước đó, Saudi Arabia, Nga và nhiều nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã quyết định vẫn duy trì kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2022 bất chấp việc giá dầu giảm sâu trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ nỗi sợ về khả năng thừa dầu.

Tình trạng giá dầu suy giảm trở nên tệ hại hơn khi số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại châu Âu, biến chủng Omicron trở thành mối hiểm họa mới với hoạt động kinh tế.

Trong tuyên bố mới đây, OPEC+ cho biết sẽ tiếp tục tính đến diễn biến của đại dịch COVID-19, theo sát diễn biến trên thị trường dầu, đồng thời sẵn sàng có những điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/1/2022.

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng OPEC+ sẽ hoãn tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày từ tháng 1/2022, bởi xét đến việc giá dầu giảm trong thời gian qua và nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng như tác động của nó lên giá dầu.

Dù giá dầu thô thấp có thể tạm ảnh hưởng đến nguồn thu của OPEC và Nga ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên ảnh hưởng của họ lên thị trường năng lượng sẽ tăng lên trong dài hạn khi tỷ trọng của hai nước này trong tổng quy mô sản xuất dầu toàn cầu tăng lên.

Giá dầu châu Á hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2021 Giá dầu châu Á hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2021

VTV.vn-Giá dầu châu Á giảm vào chiều 10/12 nhưng vẫn trên đà ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 8 khi tâm lý thị trường không còn bị ám ảnh bởi biến thể Omicron.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước