Xuất khẩu rau quả cả năm 2022 của Việt Nam đạt trên 3,3 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đây là năm thành công về mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây như sầu riêng, chuối, khoai lang, bưởi, nhãn… Đây cũng là cơ hội cho năm 2023 với nhiều hy vọng tươi sáng hơn về giá bán cũng như thị trường.
Chuyện liên kết, bao tiêu nông sản vẫn diễn ra thường xuyên ở ĐBSCL, dù thời điểm này là cận Tết Nguyên đán. Vườn sầu riêng ở xã Xuân Hòa, Kế Sách, Sóc Trăng phải 5 tháng tới mới đến thu hoạch, nhưng đến thời điểm này đã được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ.
Đây là một trong những diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn bộ quy trình canh tác đều được bà con nhà vườn tuân thủ nghiêm ngặt, nhất là liều lượng phân, thuốc. Tất cả đều nằm trong danh mục cho phép. Bông, trái non cũng được tỉa thường xuyên để đảm bảo về chất lượng, độ đồng đều sản phẩm.
Việc được cấp mã số vùng trồng là điều kiện cần để sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Ở khu vườn này đã có sự xuất hiện của những chiếc bẫy ruồi vàng - loại sinh vật gây hại thường gặp ở vườn sầu riêng.
Đến nay, Sóc Trăng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và cấp 3 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 40 hecta. Dù diện tích còn khiêm tốn so với 1.300 hecta của toàn tỉnh, nhưng đây là kết quả phấn khởi sau thời gian hơn 3 năm chuẩn bị của nhà vườn và ngành nông nghiệp địa phương.
"Quy hoạch vùng trồng và xác định vùng nào nên trồng và vùng nào không nên trồng để nông dân tuân thủ, chứ sầu riêng không phải là cây dễ trồng như một số cây khác, nó chỉ thích hợp ở một nguồn nhất định", ông Nguyễn Thành Phước, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, cho biết.
"Trong đợt kiểm tra vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã hỗ trợ các chi cục về kỹ thuật, danh sách thuốc được sử dụng trên cây sầu riêng và danh sách dịch hại phía Trung Quốc quan tâm, giúp nông dân làm tốt để được cấp mã sớm", bà Phạm Thị Mỹ Nhan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, cho hay.
Mấy năm nay, Sóc Trăng đã xuất khẩu hơn 3.000 tấn trái cây các loại sang Hoa Kỳ, châu Âu; trong đó có bưởi, xoài, nhãn, vú sữa. Còn sầu riêng chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch. Đó cũng là lý do có thời điểm, loại trái cây này khiến không ít nhà vườn lâm vào cảnh trúng mùa, mất giá. Việc được cấp mã số vùng trồng, làm ăn bài bản đang mở ra cơ hội mới cho nhà vườn Sóc Trăng trong thời gian tới.
Nhà vườn phấn khởi vì sầu riêng được bao tiêu
Năm 2022, đã có thời điểm xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng tới hơn 41 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục chưa từng có, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc. Chính vì vậy việc được cấp mã số vùng trồng là điều kiện cần để loại trái cây đặc sản có thể đi chính ngạch. Vấn đề còn lại là những cái bắt tay trong việc liên kết, tiêu thụ.
Hợp tác xã Hưng Lợi vừa được cấp mã số vùng trồng, ngay lập tức có 2 doanh nghiệp đến đặt vấn đề bao tiêu, dù vài tháng tới, cây mới bắt đầu cho thu hoạch. Sự chuẩn chỉnh về mặt kỹ thuật của bà con theo tiêu chuẩn VietGAP là tiền đề để doanh nghiệp tin tưởng.
Những bản hợp đồng đã được ký kết. Toàn bộ diện tích sẽ không phải lo đầu ra khi đến vụ thu hoạch, dự kiến khoảng 700 tấn. Nhà vườn chỉ cần chăm sóc cây trái sao cho ngon lành và đảm bảo truy xuất nguồn gốc, còn doanh nghiệp sẽ cân đối giá thu mua hợp lý nhất cho bà con.
Sóc Trăng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm được cấp thêm mã số vùng trồng trên cây sầu riêng. Đây là điều kiện để địa phương mở rộng hơn nữa chuỗi liên kết, tiêu thụ với doanh nghiệp xuất khẩu, qua đó đưa sản phẩm xuất khẩu chính ngạch nhiều hơn. Bà con nhà vườn cũng đang tính đến chuyện rải vụ, sơ chế, chế biến để kéo dài hơn chuỗi giá trị của ngành hàng đầy tiềm năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!