Như các hộ nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL, trước đây ông Long Văn Nghĩa (tỉnh Bạc Liêu) nuôi tôm bằng ao, đầm. Sau nhiều lần tham quan, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đầu năm 2017, ông Nghĩa đã gom hết vốn liếng và vay thêm tiền để đầu tư xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ Biofloc. Hồ nuôi được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng, diện tích 500m2. Quy trình nuôi đang được áp dụng là nuôi 2 giai đoạn, sau 100 ngày tuổi, khi tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì sẽ tiến hành thu tôm thương phẩm.
Với những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh như hiện nay (nuôi tôm trong ao đất hoặc ao đất trải bạt), các chuyên gia thủy sản cho rằng, người nuôi tôm sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến môi trường trong ao. Dịch bệnh bên ngoài có thể thẩm thấu qua lớp bạt vào môi trường ao nuôi, khiến nước trong ao nuôi biến động, gây bất lợi cho con tôm.
Trong khi đó, nuôi tôm bằng hồ tròn nổi không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nước thải trong hồ được bơm lên hồ tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn thừa được lọc qua túi lưới phục vụ cho chăn nuôi; phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo được tách hết nước mặn, sau đó dùng nước ngọt pha loãng có thể bơm để bón cho cây trồng và làm biogas.
Mô hình nuôi tôm trên hồ tròn nổi của ông Long Văn Nghĩa được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Đến nay, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao này đã được triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!