Tỷ phú che giấu thông tin nợ nần
Ông Hứa Gia Ấn - người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn China Evergrande - đã che giấu những thông tin nợ nần của tập đoàn cho tới khi mọi thứ bị phanh phui vào tháng 6 vừa qua.
Tại cuộc họp báo sau khi tin tức về "bom nợ" của Evergrande bị rò rỉ, ông Hứa cùng với người bạn làm ăn lâu năm của mình Chủ tịch Vương Trung Minh của Tập đoàn Thần Châu vẫn hùng hồn tuyên bố sẽ đưa Evergrande trở lại.
Ông Hứa Gia Ấn trước quảng trường Thiên An Môn trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: China Evergrande Group)
Sự đồng lòng của hai vị tỷ phú này làm các báo nhớ đến một bức ảnh từng được đăng lên mạng xã hội vào tháng 9 năm ngoái khi Evergrande cũng đã từng dính vào bê bối nợ 13,3 tỷ USD. Tuy nhiên khi đó, hòa giải thành công, 35 nhà đầu tư đồng ý không đòi lại tiền từ Evergrande, bức ảnh chụp ông Hứa cùng 35 nhà đầu tư vô cùng hòa hợp.
Trong một bức ảnh khác được chụp không lâu sau cuộc họp với nhà cung cấp, ông Hứa đứng trên bục nhìn ra Quảng trường Thiên An Môn cùng với các tài phiệt khác tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một nhóm tỷ phú gắn bó chặt chẽ dựa trên lợi ích, một số trong đó tụ họp với nhau qua dăm ba ván poker, đã bơm hàng tỷ USD vào Evergrande và các chi nhánh của tập đoàn này trong thập kỷ qua. Những vị tỷ phú này vừa là những bàn tay nâng đỡ ông Hứa Gia Ấn trong ván bài kinh doanh, nhưng cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự thất bại lần này của ông. Họ cho rằng Evergrande đã phát triển "quá lớn để thất bại" và không thể dễ dàng sụp đổ.
Nhưng hiện tại, sau một vài tháng vật lộn, những người đã từng cười và tự tin kia, đã phải rút tay khỏi "nồi canh nóng Evergrande". Chính phủ Trung Quốc vẫn lựa chọn đứng yên quan sát. Trong khi, các đối thủ của Evergrande đang săn lùng những cơ hội để bá chiếm. Tương lai vực dậy công ty của ông Hứa thật sự vô vọng.
Nigel Stevenson - Nhà phân tích tại GMT Research ở Hồng Kông - cho biết: "Sự sụp đổ của Evergrande đã được báo trước nhiều lần. Khi đó, mọi người lựa chọn làm ngơ trước những dự đoán. Nhưng lần này thật sự sẽ khác".
Câu chuyện tỷ phú của Hứa Gia Ấn giống với câu chuyện của nhiều tỷ phú Trung Quốc và cũng phản ánh bước đi trong từng thời kỳ của chính quyền.
Tỷ phú "chịu chơi, chịu chi"
Từng là kỹ thuật viên nhà máy thép, ông Hứa Gia Ấn thành lập Evergrande ở phía nam thành phố Quảng Châu vào năm 1996. Đến năm 2017, ông là người giàu nhất Trung Quốc. Để thành công như vậy, không chỉ tài năng, xây dựng mối quan hệ với quan chức cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Và ông Hứa Gia Ấn chắc hẳn đã làm được điều đó, mối quan hệ với các vị ở cao tầng, vị trí của bản thân trong Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đều là những điều ông Hứa vô cùng tự hào.
Có nhiều câu chuyện cho thấy ông Hứa rất chịu chơi và chịu chi cho các mối quan hệ. Có lần ông Hứa từng tiếp đãi con gái của một quan chức cùng chồng cô ta. Ba người đi chơi bằng phi cơ riêng bay tới châu Âu để thưởng thức rượu và mua sắm.
Một nhà đầu tư trái phiếu khác cho biết ông Hứa Gia Ấn cũng từng lệnh cho máy bay phản lực tư nhân của mình trong trạng thái bay rỗng đi theo khi ông đang chơi bài với một người bạn trên một máy bay khác. Cho dù vậy, tất cả các mối quan hệ đó giờ đây đều không cứu được ông Hứa Gia Ấn.
Tình trạng hiện tại của Evergrande đang bên bờ vực thẳm. Những đối tác bán lẻ cũ từng bị nợ tiền gọi Hứa Gia Ấn là kẻ ảo tưởng kiêm một tên lừa đảo bởi Evergrande không thanh toán cho các nhà cung cấp, ngân hàng, nhà đầu tư nhỏ và trái chủ nước ngoài trong năm nay. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của tập đoàn chỉ có thể đáp ứng 2/3 trong số 240 tỷ nhân dân tệ (37,2 tỷ USD) nợ phải trả trong năm tới.
Một chuyên gia nhấn mạnh: "Cho dù ở Trung Quốc có quan hệ quan trọng thật, nhưng lần này vận may của Hứa Gia Ấn cũng chẳng còn là bao. Điều duy nhất khiến cho Evergrande có thể tiếp tục tồn tại trong hai năm qua và cũng là điều mà Hứa Gia Ấn luôn tự hào là mối quan hệ mật thiết với các quan chức cao tầng. Nhưng vận may có lẽ đã hết".
Bạn bè buông tay
Reuters đã đưa tin rằng Bắc Kinh đang thúc đẩy các nhà phát triển bao gồm các công ty thuộc sở hữu của chính phủ mua một số dự án của Evergrande. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin Hopson Development Holdings đã đồng ý mua 51% cổ phần chi nhánh dịch vụ bất động sản của Evergrande.
Benjamin Fanger, người sáng lập công ty đầu tư ShoreVest Partners, cho biết Trung Quốc "sẽ giám sát một trong những cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất trong lịch sử". "Khoản thanh toán ưu tiên sẽ đến tay người mua nhà, nhà cung cấp, nhà thầu và nhân viên".
Nói cách khác, Bắc Kinh dường như đã quyết định rằng họ có thể bảo vệ thị trường tài chính và bất động sản mà không cần phải hỗ trợ ông Hứa Gia Ấn hay Evergrande. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ thanh khoản cho thị trường để hạn chế sự sa sút do những rắc rối của vụ việc này. Ngân hàng trung ương đã bơm ròng 460 tỷ nhân dân tệ tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng trong 5 ngày làm việc tính đến ngày 25/9.
Tới bước này, những người bạn tỷ phú của Hứa Gia Ấn, những người từng đổ hàng tỷ USD vào những thương vụ của Evergrande phải lựa chọn buông tay.
Cho dù từng tham gia vào hầu hết mọi đợt huy động vốn của Evergrande kể từ năm 2009, tháng trước nhóm cổ đông lớn thứ hai của Evergrande là Chinese Estates Holding, do gia đình tỷ phú Joseph Lau kiểm soát, đã tuyên bố kế hoạch rút lui.
Vợ chồng Joseph Lau - cổ đông lớn thứ hai của Evergrande. (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ông Joseph, những người bạn còn lại của Hứa Gia Ấn cũng từng đóng góp rất nhiều vào công việc làm ăn của Evergrande. Hội chơi bài poker cùng với ông Hứa đây bao gồm Chủ tịch Henry Cheng và người đồng cấp tại C C Land Cheung Chung-kiu. Tất cả đều hiện diện chính trong các giao dịch của Evergrande.
Sự ủng hộ lớn nhất của tất cả phải kể đến một năm trước, vào lúc các nhà phân tích lần đầu tiên đặt câu hỏi liệu Evergrande có thể tồn tại được hay không khi phải trả khoản nợ chuyển đổi lên tới 130 tỷ nhân dân tệ vì không đảm bảo niêm yết trong nước cho Hengda Real Estate như trước đây đã hứa.
Vào tháng 9 năm ngoái, các nhà đầu tư bị nợ tương đương 2/3 giá trị của trái phiếu chuyển đổi đã đồng ý từ bỏ quyền yêu cầu hoàn trả. Đến tháng 11 gần như tất cả những người còn lại đã đi theo con đường tương tự. Nhưng nhóm bạn tỷ phú của Hứa Gia Ấn vẫn phải đối mặt với thua lỗ trong cùng tháng đó khi trái phiếu Evergrande bắt đầu giảm giá trị.
CST Group, trong đó tập đoàn C C Land của Chủ tịch Chung nắm giữ cổ phần, đã mua trái phiếu trị giá 11 triệu USD trên thị trường mở. Dựa trên giá thị trường hiện tại, số cổ phiếu nắm giữ đó bây giờ sẽ trị giá 4,4 triệu USD.
Fitch Ratings vào cuối tháng trước đã giảm xếp hạng tín dụng đối với Evergrande từ "CC" xuống "C", bậc cuối cùng trên mức mặc định. Cơ quan này dự đoán các trái chủ có thể thu hồi ít hơn 10% số tiền còn nợ.
"Evergrande lớn, nhưng không đủ lớn để tạo ra những ảnh hưởng mang tính dây chuyền", Charles Chang - người đại diện cho các doanh nghiệp tại S&P Global Ratings - cho biết. "Vì đã là tảng lớn nhất, tất cả những gì tiếp theo sẽ nhỏ hơn nhiều. Quả thực, nó không phải là phần nổi của tảng băng trôi, mà là bản thân tảng băng trôi - một tảng băng trong đại dương rộng lớn có thể chịu được sóng gió", ông nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!