Sầu riêng Malaysia rớt giá vì COVID-19

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 13/03/2021 10:46 GMT+7

VTV.vn - Thời gian gần đây, giá sầu riêng của Malaysia liên tục bị mất giá khi Trung Quốc giảm thu mua.

Nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc sụt giảm đã ngay lập tức gây tác động đến thị trường sầu riêng thế giới, đặc biệt là Malaysia, bởi đây là nhà sản xuất và xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới.

Năm nay, nông dân trồng sầu riêng ở bang Pahang của Malaysia không hào hứng trong việc thu hoạch quả sầu riêng, loại cây trồng chủ lực của họ, bởi theo các chủ vườn giá năm nay chỉ bằng một nửa so với giá năm ngoái.

Tại thị trấn Raub của bang Pahang, nơi được coi là thủ phủ sầu riêng của Malaysia, vốn được biết đến là nơi lý tưởng để trồng sầu riêng Musang King, loại sầu riêng ngon hàng đầu thế giới. Giá của loại sầu riêng này đã giảm từ 60 Ringgit (khoảng 335.000 đồng) xuống còn 30 Ringgit (khoảng 170.000 đồng).

Sầu riêng Malaysia rớt giá vì COVID-19 - Ảnh 1.

Nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc sụt giảm đã ngay lập tức gây tác động đến thị trường sầu riêng thế giới, đặc biệt là Malaysia. (Ảnh: The Chronicle Herald)

"Do dịch COVID-19 nên hoạt động kinh doanh của chúng tôi kém đi rất nhiều. Doanh số bán hàng của chúng tôi giảm từ 80 đến 90% do mọi người bị hạn chế ra khỏi nhà", ông Tan Sue Sian, Giám đốc điều hành của Top Fruits, chia sẻ.

Thời gian qua, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn hàng đầu của Malaysia, cũng bị chững lại. Dịch COVID-19 khiến việc vận chuyển sầu riêng sang quốc gia đông dân nhất thế giới này gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, cơn sốt sầu riêng của người dân Trung Quốc đã "hạ nhiệt" hơn nhiều so với mấy năm trước. Chính vì vậy, các nhà xuất khẩu không còn mấy hào hứng với thị trường lớn này.

Bên cạnh xuất khẩu bị sụt giảm, các trang trại vừa trồng sầu riêng vừa kết hợp làm du lịch cho biết các lệnh hạn chế đi lại để phòng dịch đã khiến nguồn thu từ du lịch này cũng giảm sút. Kể từ đầu năm đến nay, lượng khách đến vườn tham quan và mua sầu riêng đã giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các nông dân trồng sầu riêng vẫn đang nuôi hy vọng, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và giá sầu riêng sẽ sớm được phục hồi.

Malaysia tìm cách thúc đẩy việc tiêu thụ sầu riêng

Trong bối cảnh giá sầu riêng liên tục giảm mạnh thời gian qua, các nhà xuất khẩu của Malaysia đang cố gắng mở rộng thị trường để tìm kiếm các đơn hàng mới. Còn ở trong nước, các nhà phân phối đã chuyển sang hình thức kinh doanh mới nhằm giúp thúc đẩy việc tiêu thụ loại quả này, đó là bán sầu riêng trực tuyến.

Tập đoàn Hernan, một trong những nhà xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm liên quan đến sầu riêng lớn nhất Malaysia, mới đây đã xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đông lạnh đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đây là bước ngoặt lớn đối với ngành sầu riêng của quốc gia Đông Nam Á này khi lần đầu tiên thâm nhập vào thị trường khó tính của đất nước mặt trời mọc.

Không chỉ lấn sân sang thị trường Nhật Bản, các nhà xuất khẩu nước này đang từng bước tìm kiếm các thị trường mới cho quả sầu riêng. Song song với việc tăng cường xuất khẩu, ở trong nước, các nhà phân phối cũng bắt đầu chuyển sang bán hàng trực tuyến để thu hút khách hàng.

Các doanh nghiệp chuyên cung cấp sầu riêng như công ty Dulai đã sử dụng mạng xã hội để tiếp thị sầu riêng đông lạnh của mình và nhu cầu tiêu thụ ngay lập tức bùng nổ.

Sầu riêng Malaysia rớt giá vì COVID-19 - Ảnh 2.

Song song với việc tăng cường xuất khẩu, ở trong nước, các nhà phân phối tại Malaysia cũng bắt đầu chuyển sang bán hàng trực tuyến để thu hút khách hàng. (Ảnh minh họa: The Star)

"Chúng tôi mới bắt đầu chuyển sang bán hàng trực tuyến. Hai ngày sau khi chuyển sang hình thức này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu về sầu riêng đông lạnh. Đến ngày thứ 5, mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng trăm đơn hàng", ông Eric Chan, Giám đốc điều hành Công ty Dulai Fruits, cho biết.

Không chỉ công ty Dulai, mà nhiều công ty khác cũng làm ăn phát đạt nhờ bán sầu riêng trực tuyến. Còn với người tiêu dùng, họ cũng được tận hưởng lợi thế của việc giao hàng tới tận cửa nhà và có thể ăn bất cứ khi nào thích mà không cần phải ra đường.

"Hiện chúng tôi bán sầu riêng dưới dạng gói khoảng 300 đến 400 gram. Tất cả đều được đóng gói kĩ và hút chân không nên mọi người sẽ không bị ám mùi. Do vậy, họ có thể mang về căn hộ, ngồi trong điều hòa và thưởng thức sầu riêng", ông Tan Sue Sian, Giám đốc điều hành Top Fruits, cho hay.

Việc kinh doanh trực tuyến không chỉ giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sầu riêng tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn mà còn cho phép họ lựa chọn được nhiều nguồn hàng tốt hơn từ các nông trại và nguồn cung dồi dào hơn. Điều này cũng mang lại lợi ích cho cả nông dân trồng sầu riêng.

Rõ ràng dịch COVID-19 đã làm khó những người trồng và buôn bán sầu riêng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, đại dịch này đã khiến họ thay đổi và chứng minh khả năng thích ứng nhanh nhạy của mình.

Xúc tiến đàm phán xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc Xúc tiến đàm phán xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc

VTV.vn - Do tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước