Hôm nay (16/3), tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Ngay trong phiên sáng là phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề về vai trò của các nhà máy lọc dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, cũng như các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trước mắt sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu bù vào thiếu hụt nguồn cung và kiểm soát chặt chẽ tình hình kinh doanh xăng dầu.
Mở đầu phiên chất vấn, trước nhiều câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp của Bộ Công Thương trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, trong bối cảnh nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất gián đoạn, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định thúc đẩy nhập khẩu xăng dầu bù đắp thiếu hụt.
"Đến giữa tháng 2, nguồn cung xăng dầu trong nước đủ đáp ứng hết tháng 3 bởi lẽ theo số liệu của Hiệp hội xăng dầu và số liệu báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối lúc đó tồn dư hàng trong nước còn khoảng 1,2 triệu khối. Số lượng sản xuất ra ở hai nhà máy lọc dầu là 900 m3 và nhập ở thời điểm ngày 15/2 là 900.000 m3. Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu trong tháng 3 vượt sản lượng nhập khẩu bình thường. Mỗi tháng nhập khẩu 500.000 khối nhưng theo chỉ đạo của Bộ nhập lên gấp 2 lần, tức 1 triệu khối trở lên", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Lắng nghe chất vấn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương cần thông tin rõ thêm về việc kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh dự trữ xăng dầu của các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về vấn đề xăng dầu - Ảnh: Nhật Bắc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: "Bộ làm rõ khi chúng ta đi kiểm tra, các cơ sở kinh doanh có dự trữ lưu thông đúng như quy định pháp luật không? Các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không? Bởi có phải chỉ dự trữ quốc gia đâu, anh không thể nói 1 - 2 ngày không có nguồn cung anh không có xăng bán được. Như vậy, đơn vị đấy anh dự trữ lưu thông trong chu kỳ 20 ngày theo quy định pháp luật như thế nào?".
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới có lộ trình xem xét mô hình nâng cao mức dữ trự xăng dầu quốc gia.
"Thực tế, chúng ta có đủ lượng dự trữ khoảng từ 5 - 7 ngày với sản lượng tiêu thụ mỗi tháng khoảng 1,8 - 1,9 triệu khối. Hiện quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế rõ ràng chúng tôi thấy bất hợp lý. Bộ Công Thương đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét thiết kế lại mô hình quản lý quỹ dự trữ này", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết với mặt hàng xăng dầu cần phải có chiến lược dài hơi. Bộ cũng khẳng định, về giá Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành theo đúng pháp luật và diễn biến thế giới.
Trong khi giá thế giới biên độ dao động 40% -60%, trong nước chỉ dao động 29% - 40%, cao nhất của giá trong nước vẫn là cận dưới của giá dao động trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!