Siết chặt đấu giá đất, chặn lũng đoạn thị trường

Vấn đề hôm nay-Thứ tư, ngày 13/04/2022 06:26 GMT+7

VTV.vn - Trúng đấu giá đất với giá rất cao, ngoài việc tạo ra một mặt bằng giá mới, một hệ lụy nữa là nhiều nguồn vốn của nền kinh tế sẽ bị hút vào lĩnh vực đất đai, bất động sản.

Xin "trả góp" đấu giá đất

Liên quan đến các lô đất trúng đấu giá tại TP Hồ Chí Minh, đến nay ngoài 2 doanh nghiệp đã xin bỏ cọc thì 2 doanh nghiệp còn lại là Dream Repbulic và Sheen Mega đã có văn bản đề nghị trả dần tiền đấu giá. Lý do được các doanh nghiệp đưa ra: Sau đấu giá đất có nhiều diễn biến xảy ra làm ảnh hưởng đến kế hoạch; tác động của đại dịch COVID-19...

Siết chặt đấu giá đất, chặn lũng đoạn thị trường - Ảnh 1.

Dream Repbulic và Sheen Mega xin "trả góp" tiền đấu giá đất Thủ Thiêm

Tuy nhiên, các lý do này đều không thuộc trường hợp để chậm nộp, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính. Theo Bộ tài chính, đấu giá đất đã có quy định của pháp luật rất rõ ràng, cụ thể và minh bạch. Vì vậy, trong quy định của pháp luật là không cho nộp tiền đất làm nhiều lần. Việc đấu giá đất, nhà đầu tư phải thực hiện nộp đúng theo thời hạn.

Hiện cả 2 doanh nghiệp này không có đơn xin dừng triển khai dự án hay bỏ cọc nhưng tương lai của các dự án này liệu có khả quan hay không, thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

Sàng lọc doanh nghiệp đấu giá đất

Một điểm giống nhau rất bất ngờ của hai doanh nghiệp trên là tài sản và kết quả kinh doanh. Công ty cổ phần Dream Repbulic được thành lập từ năm 2017, tổng tài sản chỉ vỏn vẹn gần 9 triệu đồng. Năm 2018 là gần 16 triệu đồng, năm 2019 là 20 triệu đồng và năm 2020 là gần 16 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng không hề phát sinh doanh thu kể từ khi thành lập.

Còn Công ty cổ phần Sheen Mega được thành lập cuối năm 2019. Tổng tài sản tính tới cuối năm 2020 chỉ đạt gần 28 triệu đồng, doanh thu cũng ở mức 0 đồng.

Nhìn vào kết quả kinh doanh so với việc đấu giá lô đất gần 4.000 tỷ đồng, dư luận không khỏi nghi ngờ về tiềm lực thực hiện dự án của 2 công ty.

"Với số vốn và đấu giá như vậy thì cũng là rủi ro cao đối với quản lý Thuế, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ sẽ tăng cường giám sát hoạt động của họ", ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Thực tế, việc đấu giá quyền sử dụng đất 4 lô đất tại Thủ Thiêm đang bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn khi nhìn vào năng lực tài chính của các doanh nghiệp. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, nhằm hạn chế các hành vi không lành mạnh, lũng đoạn thị trường bất động sản trong hoạt động đấu giá.

"Pháp luật về đất đai, đầu tư hiện hành đã có quy định cụ thể vấn đề về năng lực của tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá đất. Vấn đề là việc kiểm tra năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá thì cơ quan tổ chức đấu giá có kiểm tra kỹ điều kiện này không", ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết.

Siết chặt đấu giá đất, chặn lũng đoạn thị trường - Ảnh 2.

Cần thêm sự phản biện trong quá trình đấu giá đất?

Theo ông Tuấn, tới đây khi sửa lại Luật Đất đai, Bộ sẽ xác định lại thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất để có sự vào cuộc của nhiều cơ quan: Đại diện Hội đồng Nhân dân; đại diện người có đất... Ngoài ra có thể có 2 hay nhiều doanh nghiệp thẩm định giá để có thể so sánh đối chiếu.

Ngăn chặn bỏ hoảng đất sau đấu giá

Hiện đấu giá quyền sử dụng đất chiếm khoảng 90% giá trị đấu giá tài sản công. Năm 2013, nguồn thu từ đất của cả nước là gần 64.000 tỉ đồng; năm 2016 là 128.000 tỷ đồng; và năm 2020 là gần 255.000 tỉ đồng. Như vậy trong 7 năm, nguồn thu từ đất đã tăng hơn 4 lần.

Phần lớn thu từ đất là thu tiền sử dụng đất chiếm tới 80%, còn cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản chiếm không nhiều. Nguồn thu quan trọng như vậy nhưng nguồn thu này chưa phải là nguồn thu bền vững. Bởi không ít chủ thể, sau khi trúng đấu giá, được Nhà nước giao, hay cho thuê đất lại không triển khai thực hiện các dự án.

Như ngay trong cao điểm đợt dịch COVID-19, tháng 6/2021, có tới hơn 800 lô đất liền kề khu dân cư Hồng Tiến thuộc Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã được đấu giá hết. Giá trị thu về trung bình gấp hơn 2 lần so với giá khởi điểm. Có những người trúng hơn 100 lô đất, nhưng đến thời điểm này phần lớn trong số các lô đất này vẫn chỉ là đất trống.

Theo quy định, các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất phải hoàn thành nộp tiền sau 30 ngày kể từ ngày đấu giá. Tuy nhiên, thời hạn buộc phải triển khai xây dựng thì lại chưa được đề cập. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang sau đấu giá.

Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết quy định chưa chặt chẽ và đầy đủ là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng đầu cơ đất đai, tạo thị trường ảo. Các chuyên gia pháp lý cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, nhiều quốc gia áp dụng mức thuế cao hoặc chế tài rất mạnh nếu như người sở hữu để đất hoang, không triển khai dự án theo cam kết.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất cho biết việc chậm đưa đất vào sử dụng hay sử dụng đất không phù hợp với tiến độ dự án đã được quy định trong Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013.

"Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp cho nhà nước một khoản tiền tương đương mức tiền sử dụng, thuê đất trong thời gian chậm tiến độ. Hết thời gian được gia hạn, Nhà nước sẽ thu hồi đất và không bồi thường về đất và tài sản", ông Lê Văn Bình cho biết.

Ông Bình cho rằng, quy định của pháp luật đã rõ nhưng trong quá trình thực thi ở các địa phương chưa quyết liệt. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra đối với các dự án chậm tiến độ ở địa phương.

Siết chặt đấu giá đất, chặn lũng đoạn thị trường - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp trúng giá đất như lại chậm triển khai thực hiện dự án

Trúng đấu giá đất với giá rất cao, ngoài việc tạo ra một mặt bằng giá mới, một hệ lụy nữa sẽ xảy đến, đó là nhiều nguồn vốn của nền kinh tế sẽ bị hút vào lĩnh vực đất đai, bất động sản, như kiểu "làm việc cả đời không bằng chốt lời lô đất".

Hơn nữa đất vẫn sẽ chỉ là đất nếu như bị bỏ không, nhưng sẽ trở thành nền móng phát triển cho nhiều ngành, nhiều địa phương nếu được khai thác một cách có hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra tổ chức đấu giá đất, bất động sản tại các địa phương. Trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường thì làm rõ sai phạm, xử lý, không để xảy ra trục lợi. Rà soát các quy định pháp luật để tham mưu sửa đổi, bổ sung, nhằm ngăn ngừa các hành vi trục lợi.

Các lỗ hổng hay quy định chưa chặt chẽ cần phải được sửa đổi để đảm bảo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả hơn nữa trong quản lý và sử dụng đất.

Để hiểu rõ hơn những quy định hiện hành trong việc đấu giá đất? Pháp luật cần cơ chế nào để sàng lọc tốt hơn các doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng như hạn chế tình trạng bỏ cọc như hiện nay...? Những câu hỏi này sẽ được trả lời trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 12/4.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước