Nhiều lỗ hổng pháp lý
Những năm gần đây thị trường du lịch xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng, chủ sở hữu kỳ nghỉ có quyền sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chia sẻ sản phẩm hoặc trao đổi dịch vụ đó với các chủ sở hữu khác.
Thời gian qua, chúng ta không còn xa lạ với rất nhiều cuộc gọi mời chào tham dự hội thảo để nhận voucher nghỉ dưỡng miễn phí của các công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch thông qua đội ngũ tư vấn viên. Các doanh nghiệp này làm mọi cách, sẵn sàng đưa ra các tư vấn, quảng cáo không đúng sự thật để bán được các kỳ nghỉ dưỡng/căn hộ nghỉ dưỡng. Hệ quả là đã không ít người dân tin vào lời quảng cáo hoa mỹ, bỏ tiền ra mua hàng nhưng sau đó phát hiện ra sản phẩm không giống như quảng cáo. Họ "vỡ mộng" hoàn toàn với những gói kỳ nghỉ này.
Mô hình kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch (timeshare) phát triển rầm rộ vài năm gần đây tại Việt Nam, thậm chí từng được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch trong giai đoạn hậu Covid - 19.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch tại Việt Nam đã huy động từ nhà đầu tư số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Bộ Công thương nhiều lần thông đã nhận được nhiều phản ánh về sự biến tướng kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch. Các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giật, lùa gà, gây ra những mất mát tài chính lớn cho người tiêu dùng và không ít hệ luỵ đối với xã hội.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo và có ý kiến kiến nghị các Bộ, ngành liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch nhằm phát triển lành mạnh mô hình kinh doanh này ở Việt Nam.
Về vấn đề này, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) chia sẻ, loại hình kinh doanh kỳ nghỉ du lịch là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu của người dân tăng cao
Trên thực tế, xuất phát từ đơn thư phản ánh, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiến hành thanh tra một số doanh nghiệp và đã xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu một doanh nghiệp sở hữu kỳ nghỉ du lịch phải sửa đổi hợp đồng theo mẫu nhằm tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết với người dân và yêu cầu doanh nghiệp cải chính thông tin tới người dân.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là không thể để xảy ra câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng", theo các chuyên gia kinh tế, với vai trò chức năng của mình, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần tham mưu, đề xuất đưa hợp đồng liên quan đến sở hữu kỳ nghỉ vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước (danh sách hợp đồng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Về vấn đề này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Điều này. Và đơn vị này đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu thông tin liên quan đến các phản ánh về hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.
Đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý sai phạm
Khi tham gia mô hình "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch", khách hàng sẽ đối mặt với một số rủi ro cụ thể sau: Hầu hết hợp đồng mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.
Tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên dự án, chưa được xây dựng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.
Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.
Bộ Công thương vừa thông tin tới báo giới, hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu tìm hiểu du lịch của người dân tăng cao; các hình thức khuyến mãi, kích cầu du lịch cũng được các doanh nghiệp triển khai, trong đó có các gói dịch vụ nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm tại các khu nghỉ dưỡng. Do đó, Bộ Công thương tiếp tục cung cấp thông tin rộng rãi để người dân nắm được bản chất của loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cũng như những điều cần lưu ý khi giao kết loại hình hợp đồng này. Đồng thời đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn các dịch vụ cho mình.
Theo đó, người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm; kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn thêm, Bộ Công thương chỉ xem xét ý kiến, phản ánh của người tiêu dùng từ khía cạnh pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các Bộ, ngành khác và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Đáng chú ý, Bộ Công thương cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ "kỳ nghỉ du lịch" để trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Khi phát hiện sai phạm sẽ xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi hợp đồng theo mẫu nhằm tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dùng khi ký kết với người dân, yêu cầu doanh nghiệp cải chính thông tin tới người dân….
Song song với đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các buổi tiếp công dân, làm việc với doanh nghiệp; thu thập, xác minh thông tin, phối hợp với một số bên có liên quan để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân; hướng dẫn người dân gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan điều tra của Bộ Công an đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự; Tòa án đối với nội dung phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về dân sự liên quan đến các giao dịch dân sự đã được xác lập…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!