Siết quản lý để xuất khẩu gạo hướng đến bền vững

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 10/01/2025 18:39 GMT+7

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận kết quả ấn tượng. Ảnh: TL

VTV.vn- Ngành gạo thời gian qua đạt được kết quả chưa từng có. Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã đưa ra nhiều quy định và giải pháp để hướng đến xuất khẩu bền vững thời gian tới.

Nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận kết quả ấn tượng với hơn 5,7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 23% về giá trị so với năm 2023.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng lên 56,3 triệu tấn, cao hơn 2,3 triệu tấn so với dự báo đã công bố trước đó.

Đáng chú ý, giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 3 năm vừa qua đã tăng ấn tượng từ 487 USD/ tấn lên 625 USD/ tấn, tăng tới trên 28%. Kim ngạch xuất khẩu nhờ thế cũng tăng trưởng 2 con số. 

Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho hay, gạo Việt đã có vị trí trên thị trường thế giới. Thời gian qua, doanh nghiệp nước ta đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt. Nhờ đó, đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp đã và đang ký kết các hợp đồng xuất gạo cho cả năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục đạt con số tăng trưởng ấn tượng.

"Để xuất khẩu gạo một cách bền vững và hiệu quả, ngay đầu năm 2025, Chính phủ ra Nghị định số 01/2025/NĐ-CP là nghị định đầu tiên của năm 2025 (sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018) về kinh doanh xuất khẩu gạo", ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, nghị định sửa đổi đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là một trong nhiều giải pháp Việt Nam sẽ thực hiện quyết liệt để đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới.

Đáng chú ý, nghị định mới đã bổ sung quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo với quy định: Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, bổ sung trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo...

Theo các chuyên gia kinh tế, những nội dung quy định mới đều thúc đẩy sự minh bạch, kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường vốn rất nhạy cảm này. Thông qua đó, giúp định vị chất lượng sản phẩm gạo, thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế. Đó cũng là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của Việt Nam hiệu quả và bền vững.

Phát huy lợi thế cạnh tranh của gạo Việt

Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam nhận định, năm 2025 xuất khẩu gạo của các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn. Hiện nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó Ấn Độ cũng đã mở lại cung hàng. Cũng vì vậy, thể, giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm, trung bình có thể giảm xuống dưới 600 USD/tấn.

gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Philippines, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Ghana...; trong đó, Philippines tiếp tục duy trì là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là nhà cung ứng gạo hàng đầu của quốc gia này.

"Bối cảnh đó, buộc doanh nghiệp gành gạo phải nỗ lực để xây dựng và phát huy lợi thế cạnh tranh của gạo Việt; linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu thời gian tới", ông Hải khuyến nghị.

Ông Hải cũng cho rằng, doanh nghiệp nước ta đang chú trọng đến phân khúc gạo thơm, dẻo. Song, theo khảo sát của các thương vụ, có nhiều thị trường tỉ dân ở Trung Đông rất chuộng gạo rời, hạt dài...Cho nên song song với xây dựng thương hiệu, thì doanh nghiệp nên tính đến bài toán đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để phát triển bền vững.

Đơn cử, theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), châu Phi là khu vực đang có tốc độ đô thị hóa và thu nhập người dân tăng nhanh, nhu cầu gạo cũng tăng theo, đặc biệt là các loại gạo thơm. Rất nhiều nhà nhập khẩu ở châu Phi tích cực tìm nguồn cung gạo thơm từ Việt Nam do chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh, như Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Cameroon...

Giải đáp câu hỏi của phóng viên VTV Times về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nước ta đã tính toán nguồn cung từng mùa vụ và rất quan tâm cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, để tăng cường xuất khẩu, ngành đã và đang tập trung nghiên cứu đặc trưng của các thị trường tiềm năng trên thế giới và từ các tín hiệu thị trường sẽ xây dựng chiến lược và kế hoạch sản xuất. Năm 2025, ngành gạo trong sẽ tiếp tục tăng cường các giống lúa chất lượng cao, cạnh tranh bằng thế mạnh chất lượng và giá cả so với các đối thủ trên thế giới. 

Hiện nay, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào. Dự kiến năm 2025 Ấn Độ có thể xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024...tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Tuy nhiên, lúa gạo Ấn Độ ít cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam bởi cơ cấu giống và chất lượng khác nhau. Thế nên, với việc hướng tới các sản phẩm chất lượng ở phân khúc cao cấp với nhiều giống đặc sản như ST24, ST25, Jasmine,...nước ta tự tin giá gạo xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt, dẫn đầu thế giới.

Còn phía doanh nghiệp thì mong muốn Bộ NN&PTNT và các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao và bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước