Sốt đất ảo cản trở thu hút đầu tư tại các địa phương
Sốt đất ảo tức giá tăng quá cao so với giá trị thật của mảnh đất, nhưng lại gây ra hậu quả thật. Lãnh đạo các địa phương cho biết, nếu không xử lý, sẽ không chỉ gây rủi ro cho người mua cuối cùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu hút đầu tư tại các địa phương.
Năm ngoái, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, đạt 13,02%. Tỉnh này cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới đặt nhà máy sản xuất. Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tượng thổi giá, sốt giá của thị trường bất động sản có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư.
Gần đây, tình trạng "sốt ảo" giá đất diễn ra ở một số địa phương, gây ra những hệ lụy không đáng có. (Ảnh minh họa: PLO)
TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng là nơi thu hút hàng loạt dự án đầu tư nghỉ dưỡng lớn. Không ít ý kiến lo ngại, giá đất thị trường cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp chùn chân khi khảo sát đầu tư.
Không chỉ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, mới đây, đại diện Hội Môi giới Việt Nam đã đưa ra nhận định nhiều nơi, người dân đang bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Điều này dẫn tới việc hút nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Các địa phương "ra tay" chặn sốt đất ảo
Trước tình trạng trên, các địa phương đã nhanh chóng dùng các công cụ quản lý Nhà nước để chấn chỉnh hoạt động phát triển lệch lạc này của thị trường.
TP Hạ Long và tỉnh Bắc Giang đã ngay lập tức yêu cầu tạm dừng tách thửa, tức là chia nhỏ các mảnh đất ra để bán và dừng chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở tại các điểm nóng.
Tại Bắc Ninh, tỉnh yêu cầu kiểm tra 6 dự án, được phản ánh là bán phân lô bán nền trái phép, khi mới chỉ trúng đấu giá đất và vẫn là bãi đất trống. Đồng thời, các địa phương cũng sẽ xử lý các đối tượng tung tin đồn giả.
Nhiều nơi sốt đất là do các môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để đẩy giá. Các địa phương như Bình Phước, Hạ Long đã công khai các thông tin quy hoạch, tránh những đồn thổi.
Các địa phương đã nhanh chóng dùng các công cụ quản lý Nhà nước để chấn chỉnh tình trạng sốt đất. Ảnh minh họa - Dân trí.
Để tăng tính hiệu quả trong việc chặn sốt đất ảo, các địa phương còn gắn việc xử lý sốt đất với trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, phường. Ngay sau khi loạt giải pháp chấn chỉnh được các địa phương đưa ra, cơn sốt tại nhiều nơi đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Liên quan đến vấn đề sốt đất, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 31/3, đại điện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Đào Minh Tú cho biết, tính đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng đã tăng 2,13%, tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng chung của tín dụng là 2,04%.
Trước tình trạng giá bất động sản ở nhiều địa phương có dấu hiệu tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo tới các ngân hàng thương mại, để kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho bất động sản trong trường hợp cá nhân vay kinh doanh bất động sản hoặc đầu cơ, những dự án thanh khoản kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!