Trong vòng 15 năm qua, học phí đại học trung bình tại Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, có trường còn gấp 3. Nhiều người muốn nhập học không còn cách nào khác là phải vay nợ Chính phủ. Có những món nợ lên tới con số triệu USD. Không ít sinh viên Mỹ nói rằng, tới già họ cũng không thể trả hết món nợ này.
Nếu chỉ học bằng cử nhân 4 năm còn đỡ, nhưng các chương trình đào tạo bác sĩ hay luật sư tại Mỹ thường kéo dài từ 6 đến 10 năm, đồng nghĩa với các khoản nợ lớn hơn rất nhiều. Ngay đến cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng rất chật vật với các khoản nợ. Không có cách nào thoát được khoản nợ khổng lồ, nhiều người tuyên bố, nếu được xóa nợ họ sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì.
Theo một khảo sát mới đây của trang tư vấn tài chính MyBankTracker, 38% cho biết họ sẽ đồng ý tham gia các nghiên cứu và thí nghiệm trên cơ thể như thử máu, thử thuốc mới… với điều kiện các thí nghiệm đó được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép. Và ngạc nhiên nhất là có tới 30% sinh viên được hỏi, sẵn sàng cho đi 1 quả thận hoặc 1 phần gan, miễn là được xóa nợ. Các sinh viên không phải là những người duy nhất chịu ảnh hưởng từ món nợ khổng lồ này, mà các khoản nợ sinh viên đang làm thay đổi cả nền kinh tế Mỹ.
Nên hay không chấp nhận rủi ro gánh nợ hàng chục năm trời để học đại học là quyết định của mỗi người. Nhưng tấm bằng cử nhân không phải là tấm vé duy nhất dẫn đến thành công. Chính phủ Mỹ hiện đang xem xét nhân rộng mô hình các trường cao đẳng cộng đồng miễn phí ra nhiều bang, cũng như đơn giản hoá thủ tục xin hỗ trợ tài chính. Bởi việc cả một thế hệ cử nhân gánh những khoản nợ khổng lồ sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng lên tương lai của chính nước Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!