Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) - một chỉ số tổng hợp về tình trạng sản xuất hàng hoá Việt Nam đã tăng lên 54 điểm, mức cao nhất trong hơn 18 tháng qua theo báo cáo của Nikkei, một tổ chức truyền thông và xuất bản báo chí châu Á.
Thông thường, mỗi tháng công ty may cơ khí Gia Lâm xuất khẩu 50.000 chiếc áo sơ mi các loại sang Mỹ, Malaysia và các thị trường lân cận. Thời gian gần đây, nhu cầu từ nước ngoài tăng dần, chỉ tính riêng tháng 11, số lượng đơn hàng đã tăng 40% so với các tháng trước. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ đối tác ngoại, công ty tiếp tục đầu tư thêm 4 dây chuyền.
Anh Phạm Ngọc Hà, Trưởng bộ phận giám sát, công ty cơ khí may Gia Lâm cho biết: "Chúng tôi đầu tư nhà xưởng, máy móc, đẩy cao năng suất của nhà máy để sẵn sàng bước chân vào thị tường EU, nơi mà ngành may mặc được hưởng nhiều lợi thế khi hiệp định thương mại được ký kết".
Theo đánh giá của Nikkei, số lượng đơn hàng mới đặt cho hàng hóa của Việt Nam đã tăng mạnh nhất trong 18 tháng qua. Điều này cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất Việt Nam.
Theo các chuyên gia, bên cạnh lực cầu tăng cao từ các nước nhập khẩu hàng hoá của VIệt Nam, PMI tăng mạnh còn do dòng tín dụng vào sản xuất được khơi thông đáng kể.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Phong, chuyên gia kinh tế nhận định: "Khi có sự mở rộng tín dụng, các nhà sản xuất sẵn sàng nâng cao năng lực sản xuất của họ ngay cả khi họ chưa có những đơn hàng hoặc ngay cả khi chưa nhận được thanh toán ngay. Nhờ mở rộng tín dụng họ có thể tăng lượng hàng tồn kho, tăng khoản phải thu của họ, do đó ảnh hưởng trực tiếp đếng chỉ số PMI".
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 11 khoảng 4% thì riêng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh đã chiếm đến 3,6%. Các chuyên gia nhận định, với dòng tín dụng ổn định, các đơn hàng tích trữ cho dịp Tết, việc làm cuối năm gia tăng, nhiều khả năng PMI tháng 12 sẽ đạt một ngưỡng cao mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!