"Số phận" đồng Yên đang chi phối mạnh động thái của BOJ

Kate Trần-Thứ tư, ngày 20/11/2024 09:46 GMT+7

VTV.vn - Đồng Yên đang có sự biến động tích cực và các nhà đầu tư đặt cược rằng, diễn biến này sẽ chi phối đường đi nước bước của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ).

Đồng Yên đang mon men tăng

Trên thị trường toàn cầu, USD đang giảm giá. Bảng Anh ổn định ở mức 1,2670 USD, trong khi chỉ số USD tăng 0,07% lên 106,29, sau khi giảm 0,4% trong phiên trước. Đồng bạc xanh đã tăng hơn 2% trong tháng này, được hỗ trợ bởi kỳ vọng giảm về mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Đồng euro cũng phục hồi tương tự từ mức thấp nhất trong một năm vào tuần trước và được giao dịch ở mức 1,0584 USD. Còn đồng đô la Úc vẫn duy trì mức tăng từ phiên trước và được giao dịch ở mức 0,6504 USD.

Hôm nay, 19/11, đồng Yên đã có được sự phục hồi khi ổn định ở mức cao hơn là 155 Yên đổi 1 USD nhờ sự thoái lui của đồng tiền Hoa Kỳ. USD đã lao dốc sau một đợt tăng giá mạnh và đạt mức cao nhất trong một năm qua.

Đồng Yên đã tăng 0,12% lên 154,47 Yên đổi 1 USD - phục hồi sau sự suy giảm từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về việc liệu có thể tăng lãi suất vào tháng 12 tới hay không.

Ông Rodrigo Catril, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết: "Sự suy yếu gần đây của đồng Yên khiến nhiều người tham gia thị trường kỳ vọng ông Ueda sẽ có thái độ cứng rắn, nhưng cuối cùng Thống đốc vẫn giữ nguyên quan điểm gần đây của mình".

Thực tế cho thấy, đồng Yên đã giảm khoảng 7% kể từ tháng 10 và đã suy yếu xuống dưới mức 156 Yên đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 7 vào tuần trước, khiến các nhà giao dịch cảnh giác với bất kỳ sự can thiệp nào từ chính quyền Nhật Bản để hỗ trợ đồng tiền này.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato hôm nay tái khẳng định rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục ứng phó phù hợp với tình trạng biến động ngoại hối quá mức.

Nhà đầu tư cược BOJ tăng lãi suất

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng sự trượt giá của đồng Yên sẽ buộc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) phải thay đổi chính sách và đang bán khống trái phiếu, mua cổ phiếu ngân hàng và chuẩn bị cho khả năng lãi suất sẽ tăng sớm nhất là vào tháng tới.

Trên thực tế, thị trường đang chú ý vì đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Nhật Bản cách đây 3 tháng rưỡi - đi ngược lại xu hướng cắt giảm toàn cầu - là một phần nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá hỗn loạn của đồng Yên trên toàn thế giới khi các vị thế được tài trợ bằng đồng Yên nhanh chóng bị phá vỡ .

Số phận đồng Yên đang chi phối mạnh động thái của BOJ - Ảnh 2.

Nhà đầu tư cược BOJ tăng lãi suất

Với đồng Yên ở mức 154 so với USD và gần mức đã can thiệp, các nhà đầu tư đang lo lắng và ít mạo hiểm hơn. Họ đã tích lũy cổ phiếu ngân hàng - vốn sẽ được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn. Ông Shinji Ogawa, đồng giám đốc bán cổ phiếu tiền mặt Nhật Bản tại JP Morgan ở Tokyo cho biết: "Có vẻ như mọi người đang chú ý và nhạy cảm hơn nhiều đến BOJ. Điều đó được thể hiện thông qua nhiều loại tài sản khác nhau".

Các đại lý cho biết, một số quỹ đầu cơ cũng đã đặt cược vào việc lợi suất trái phiếu tăng. Kể từ cuối tháng 10, giá cho đợt tăng 25 điểm cơ bản tại Nhật Bản vào tháng 12 đã tăng từ mức không đáng kể lên mức có khả năng khoảng 54%.

Theo ông Keita Matsumoto - giám đốc bộ phận giải pháp và bán hàng cho tổ chức tài chính tại Citigroup Global Markets Japan, dòng tiền nhanh lại đang tập trung vào đầu ngắn hạn, khi các quỹ đầu cơ tích lũy các vị thế bán khống nhỏ trong những tuần gần đây.

Trong hai tuần kể từ cuộc bầu cử Hoa Kỳ, cổ phiếu ngân hàng Tokyo đã tăng vọt khoảng 13%. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ tập trung vào các công ty vốn hóa vừa và các ngân hàng Nhật Bản vì sẽ được hưởng lợi từ lạm phát tiền lương và lãi suất cao hơn. Ông George Efstathopoulos, giám đốc quỹ đa tài sản toàn cầu trị giá 102 triệu USD tại Fidelity International cho biết, "gần đây, chúng tôi cũng đang có cái nhìn tích cực hơn về các công ty vốn hóa lớn của Nhật Bản, vì đồng Yên yếu có thể chuyển thành bức tranh thu nhập tốt hơn vào thời điểm tăng trưởng toàn cầu đang tăng tốc trở lại".

Số phận đồng Yên "bảy nổi, ba chìm"

Giá đồng Yên là yếu tố chính ảnh hưởng đến nền kinh tế và hoạt động của thị trường chứng khoán Nhật Bản và có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ thông qua chi phí nhập khẩu, yếu tố thúc đẩy lạm phát. Trong bài phát biểu chính sách hôm 18/11, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda chỉ đề cập thoáng qua đến đồng tiền này, vốn đã mất hơn 30% so với USD kể từ đầu năm 2021.

Tuy nhiên, thị trường cho rằng, đồng Yên giảm giá sẽ gây áp lực buộc Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải hành động sớm hơn dự kiến, đặc biệt là khi các nhà giao dịch ngoại hối đặt cược vào khả năng đồng Yên sẽ giảm sâu hơn.

Ông Nathan Swami, Trưởng phòng giao dịch tiền tệ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Citi ở Singapore cho biết: "Trước diễn biến gần đây của đồngYên Nhật, BOJ có thể cần phải đánh giá lại liệu họ có cần phải cứng rắn hơn trong các cuộc họp sắp tới hay không".

Theo dữ liệu của CFTC, những người đầu cơ ngoại hối đã tăng cường đặt cược chống lại đồng Yên. Chắc chắn, các khoản cược vào thị trường lãi suất là khiêm tốn và khoảng cách hơn 375 điểm cơ bản giữa lãi suất 2 năm của Hoa Kỳ và lãi suất hai năm của Nhật Bản là động lực cơ bản mạnh mẽ khiến đồng Yên suy yếu khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy thoải mái.

Bà Shafali Sachdev, giám đốc dịch vụ đầu tư tại châu Á của BNP Paribas Wealth Management ở Singapore cho biết: "Do chênh lệch lợi suất và giao dịch chênh lệch lãi suất, nhiều khách hàng có xu hướng muốn nắm giữ đồng USD lâu dài".

Tuy nhiên, vết sẹo của tháng 8, khi đồng Yên tăng mạnh khiến chỉ số Nikkei giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 1987, đã khiến chiến lược tiền tệ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

"Tôi nghĩ Nhật Bản sẽ là câu chuyện về đồng Yên cũng như câu chuyện về nền tảng của Nhật Bản", chiến lược gia Geoff Yu của BNY cho biết./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước