Quyết định nới room đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, cùng với đó là cam kết cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn được kỳ vọng sẽ là động lực tạo ra làn sóng M&A lớn tại Việt Nam thời gian tới.
Có thể dễ dàng liệt kê hàng loạt thương vụ M&A trị giá hàng trăm triệu USD tại Việt Nam thời gian qua như dự định mua lại Metro của tập đoàn Thái Lan, Aeon của Nhật Bản đầu tư vào Citimart và Fivi mart, hay việc Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho một tập đoàn Mỹ. Dự báo thị trường M&A tại Việt Nam năm nay sẽ nhộn nhịp hơn với quy định nới room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư VP Bank nhận xét: “Chúng tôi đánh giá về trung và dài hạn sẽ có tác động rất tích cực đối với việc sẽ thúc đẩy M&A tại Việt Nam từ phía các đối tác nước ngoài. Nới room sẽ là nền tảng để dòng vốn đổ vào Việt Nam thời gian tới”.
Nếu như những năm trước, các thương vụ M&A chủ yếu đến từ châu Á, thì nay các nhà đầu tư từ Mỹ, Thái Lan, châu Âu đang có sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng của Việt Nam.
Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Công ty Recof, Nhật Bản cho rằng: “Thị trường mở rộng hơn đồng nghĩa với việc Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong khu vực để thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên Việt Nam đang là điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư vào lúc này, bởi họ thấy cơ hội khi Việt Nam gia nhập hai sân chơi lớn, đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và khu vực kinh tế chung ASEAN đều trong năm nay”.
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy Việt Nam được đánh giá tích cực bởi môi trường chính trị ổn định và những nỗ lực đổi mới chính sách kinh tế. Bên cạnh đó, với thị trường tiêu dùng tiềm năng với 90 triệu dân thì Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.