S&P Global dự báo, kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển trong ba năm tới và dẫn đầu tăng trưởng trong khu vực.
Báo cáo của S&P cho biết, GDP của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 được dự đoán sẽ đạt 6,4%, cao hơn dự báo trước đó là 6%.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cho hay, mức tăng này do là tiêu dùng nội địa ở Ấn Độ lạc quan hơn và nước này đã cân bằng được mức lạm phát lương thực cao và hoạt động xuất khẩu kém.
Tương tự, S&P cũng dự báo các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á dự kiến sẽ có mức tăng trưởng GDP tích cực trong năm nay và năm tới nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
Với năm 2025, S&P hạ triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ xuống 6,5% trong năm tài chính 2025, giảm so với dự đoán trước đó là 6,9%. Tuy nhiên, tổ chức này dự kiến tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nam Á sẽ tăng lên 7% trong năm tài chính 2026.
Reuters đánh giá, quốc gia Nam Á này tiếp tục là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất, trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây đang bị đè nặng bởi lãi suất và giá năng lượng cao, trong khi kinh tế Trung Quốc phục hồi "quanh co".
Trong quý III, kinh tế Ấn Độ tăng 7,6%, cao hơn dự báo 6,8% của Reuters và ước tính 6,5% của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Ông lớn Apple đẩy mạnh đầu tư ở Ấn Độ (Ảnh: AP)
Madhavi Arora, chuyên gia kinh tế tại Emkay Global cho biết: "Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Ấn Độ được củng cố bởi các yếu tố mang tính chu kỳ như lợi nhuận doanh nghiệp, xung lực tài chính và khu vực tài chính sôi động".
Theo thống kê, chi tiêu Chính phủ đã tăng 12,4% so với cùng kỳ trong quý III so với mức giảm 0,7% trong quý trước.
Tăng trưởng vốn, một chỉ số về đầu tư, đã tăng lên 11% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 8% trong quý trước đó.
Cố vấn trưởng kinh tế Ấn Độ V. Anantha Nageswaran cho biết việc thu thuế mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế có thể đang hoạt động tốt hơn những gì đang được đo lường hiện tại nhưng ông vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng 6,5% của chính phủ.
Sự tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ sẽ tạo cơ hội cho Ngân hàng Trung ương nước này giữ lãi suất trong cuộc họp chính sách lần thứ tư liên tiếp vào tháng 10, để tập trung điều chỉnh lạm phát thực phẩm ở mức cao.
Thamashi De Silva, chuyên gia kinh tế của Capital Economicsnhận định: "Mối đe dọa lạm phát lương thực dai dẳng sẽ khiến RBI không vội vàng nới lỏng chính sách".
Bà De Silvia cũng dự kiến ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào nửa cuối năm 2024, muộn hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế mới nổi lớn khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!