Để giải quyết những tranh chấp phát sinh đối với tài sản được đem đi thế chấp vay vốn, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99, sửa đổi nghị định 102/2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm khoản vay. Nhiều thay đổi mới của nghị định đã được thông tin tại hội nghị sáng nay (9/2) do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức.
Một số thay đổi quan trọng được các diễn giả đưa ra như tách bạch trách nhiệm của người đăng ký và cơ quan đăng ký bảo đảm, quy định về thay đổi đăng ký với tài sản đảm bảo… theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn.
Ví dụ như khi doanh nghiệp thế chấp 1 kho sợi vải để vay vốn ngân hàng, nhưng sau đó họ lại sản xuất thành những chiếc áo, trước kia, tài sản thế chấp là sợi vải đã không còn, gây lúng túng cho các bên khi thực hiện xử lý nợ.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Tuy nhiên, với quy định mới, người vay sẽ phải thay đổi đăng ký bảo đảm từ sợi vải thành áo thành phẩm, được xem như giá trị sợi vải biến đổi tăng thêm. Điều này sẽ giúp tránh những tranh chấp phát sinh với ngân hàng. Một số thay đổi khác về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cũng được nêu ra tại nghị định.
"Trước đây, việc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được cấp quyền sở hữu, về cơ bản không thực hiện được đối với tài sản hiện có. Hiện nay hoàn toàn có thể yêu cầu đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và họ chịu trách nhiệm thông tin, thực hiện theo cơ chế giống như tài sản hình thành trong tương lai. Việc này đảm bảo, thuận lợi cho phía nhận bảo đảm khi nhận bảo đảm người ta sẽ đảm bảo sự thống nhất của khối tài sản liên quan, ví dụ như nhận thế chấp đất, trên đất có tài sản gắn liền với đất thì người ta đăng ký sẽ an toàn hơn, thuận lợi hơn cho vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm", ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, cho biết.
Nghị định cũng quy định rõ hơn các quy định về việc thế chấp quyền tài sản từ hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp nhà ở, hay việc thế chấp các tài sản khác gắn liền với đất, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thế chấp vay vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!