Ngày 21/9, Chính phủ Nga đưa ra các biện pháp hạn chế tạm thời đối với hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Điều này được cho là nhằm ổn định thị trường nội địa. Hệ quả của biện pháp hạn chế này cùng với những tác động đối với thị trường là một trong những chủ đề được quan tâm trong tuần này của báo chí Nga.
Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Nga phải đối mặt với tình trạng giá bán xăng và dầu diesel tăng vọt, đặc biệt là sau khi Nhà nước giảm một nửa mức trợ cấp cho các nhà máy lọc hóa dầu để đảm bảo cân đối ngân sách. Theo ghi nhận của báo chí Nga, tình hình trên thị trường nhiên liệu trong nước buộc Chính phủ phải có những biện pháp quyết liệt.
Bộ Năng lượng Nga cho biết, việc tạm thời ngừng xuất khẩu sẽ buộc các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu nước này phải gia tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, từ đó hạ nhiệt giá nhiên liệu, cũng như ngăn chặn tình trạng xuất khẩu nhiên liệu bất hợp pháp.
Trước đó, theo Lenta để ổn định giá các sản phẩm xăng dầu trong nước, Chính phủ Nga cũng đã cân nhắc đến khả năng tăng thuế xuất khẩu lên 250 USD/tấn. Để so sánh, thuế xuất khẩu các sản phẩm dầu hiện là 6,4 USD/tấn.
Tờ Vedomosti ghi nhận, việc cấm xuất khẩu nhiên liệu được Chính phủ Nga đưa ra có hiệu quả ngay lập tức. Giá nhiên liệu, cụ thể là xăng A92, A95 và dầu diesel trên sàn giao dịch đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel chỉ có thể làm giảm căng thẳng trên thị trường trong một thời gian ngắn, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp chế biến nói riêng và nền kinh tế Nga nói chung.
Chính phủ Nga không đưa ra bất kỳ thời hạn nào đối với lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu. Nhưng theo giới chuyên gia, điều này khó có thể kéo dài.
Theo tờ Quan điểm, tình hình với xăng có thể dễ dàng hơn vì phần lớn xăng sản xuất được tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu đạt tối đa 15% tính theo giá trị hàng năm. Nhưng với dầu diesel thì khác - Nga xuất khẩu một nửa lượng dầu diesel sản xuất được. Ước tính, trong năm 2023, Nga sản xuất 44 triệu tấn xăng và hơn 90 triệu tấn dầu diesel, trong khi thị trường trong nước tiêu thụ 36 triệu tấn xăng và 40 triệu tấn dầu.
Nga đang cố gắng hạ nhiệt thị trường nội địa, nhưng sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài rất cao. Theo công ty dữ liệu Vortex, Nga chiếm hơn 13% nguồn cung dầu diesel toàn cầu từ đầu năm đến nay và là nhà cung cấp dầu diesel qua đường biển lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu 1 triệu thùng mỗi ngày.
Giới phân tích nhận định, việc ngừng xuất khẩu xăng dầu cho phép nguồn cung cho thị trường nội địa tăng mạnh nhằm đảm bảo ngay lập tức các nhu cầu tại chỗ. Nhưng đổi lại sẽ là sự thất thoát nguồn thu ngân sách năm 2023, khi có thể thu được lợi nhuận từ việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ với mức giá cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!