Những kết quả bầu cử được công bố sáng 25/9 đã cho thấy một kết cục khó lường trên chính trường nước Đức. Những biến động trên chính trường có thể tác động đến các đối tượng nào?
Đồng EUR
Đồng EUR được xem là đối tượng nhạy cảm nhất với các biến động chính trường Đức. Đồng tiền này đã nhanh chóng mất đi gần 1% giá trị so với USD sau khi kết quả bầu cử được công bố.
Với việc chính phủ sắp tới của bà Merkel được cho là sẽ ở thế yếu hơn nhiều so với hiện nay, giới đầu tư sẽ còn phải thận trọng hơn, khi các cuộc bầu cử tiếp theo tới gần như tại Italy vào năm 2018.
Liên minh châu Âu
Những biến động chính phủ cũng được xem là có thể ảnh hưởng nhiều tới mối quan hệ của Đức với các nước thành viên EU khác.
Một trong các đối tác đàm phán thành lập chính phủ là Đảng Dân chủ tự do FDP có quan điểm khá cứng rắn như chống bơm tiền cứu trợ các nước gặp khó khăn như Hy Lạp hay tăng kiểm soát ngân sách chung theo đề xuất của Pháp vốn đang được bà Merkel đồng tình.
Kinh tế Đức
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng sẽ đứng trước thách thức. Hiện bà Merkel khó có lựa chọn nào khác ngoài liên minh với 2 Đảng FDP và Đảng Xanh trong khi giữa 2 đảng này có mâu thuẫn về nhiều vấn đề lớn như tiếp nhận lao động nhập cư hay kiểm soát khí thải đối với ngành công nghiệp ô tô.
Ông Robert Halver, Chuyên gia thị trường ngân hàng Baader nhận định: "Một liên minh như thế này chưa bao giờ có ở cấp Liên bang và hiện các đảng nhỏ đều muốn thúc đẩy các cam kết của mình với nhiều điểm khác biệt lớn. Việc tìm ra giải pháp sẽ không hề dễ dàng".
Những vấn đề trên sẽ là cơn đau đầu mà bà Merkel sẽ phải sớm giải quyết khi bước vào nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 trong sự nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!