Nhà máy Gang Thép Lào Cai - công trình được đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng là một trong 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương. Nhà máy dừng hoạt động từ tháng 5 và đến nay vẫn chưa có phương án tái cơ cấu.
"Hiện nay phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên doanh, vì công ty liên doanh hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, nếu không thì không thực hiện được", ông Lê Song Lai - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay.
Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai cũng là một dự án trong nhóm yếu kém. Hiện nhà máy đã sản xuất ổn định và có lợi nhuận. Tuy nhiên, do dư nợ và lãi phải trả của nhà máy vẫn ở mức quá cao, nên dẫn tới sản xuất vẫn thua lỗ. Tái cơ cấu các khoản nợ vay là phương án được doanh nghiệp tính tới.
"Đưa về lãi suất 8,55% là mức lãi xuất dương và kéo dài thời gian trả nợ thì ngân hàng vẫn thu được đầy đủ cả gốc cả lãi theo bình thường", ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay.
Nhà máy Gang Thép Lào Cai - một trong 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương.
Kiểm tra tại hai dự án cần tái cơ cấu của ngành công thương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá toàn diện, lựa chọn phương án tối ưu nhất. Phương châm tái cơ cấu là đảm bảo hiệu quả đầu tư của nguồn vốn nhà nước, cũng như đời sống của hàng nghìn người lao động.
Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay: "Tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai theo phương án đã được lựa chọn phù hợp với điều kiện thị trường, quản trị và cơ cấu sở hữu hiện nay đã thay đổi rất nhiều cách đây 10 năm hoặc 15 năm".
Đến thời điểm này, trong số 12 dự án chưa hiệu quả thuộc ngành công thương có 5 dự án được chuyển cho các doanh nghiệp tự xử lý. Các dự án còn lại sẽ tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thống nhất phương án cơ cấu trước khi triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!