Trong một thông báo bất ngờ vừa mới được phát đi vào ngày 20/6, tập đoàn Alibaba cho biết, ông Eddie Wu, sẽ thay thế ông Daniel Zhang ngồi vào chiếc ghế nóng – CEO của tập đoàn. Trong khi đó, ông Daniel Zhang sẽ tập trung cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây.
Bên cạnh vị trí CEO, Alibaba cũng thông báo ông Joe Tsai sẽ thay thế ông Zhang làm chủ tịch tập đoàn. Ông chủ của đội bóng Brooklyn Nets hiện là phó chủ tịch điều hành của Alibaba.
Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 10 tháng 9.
Dù có thay đổi nhưng đảm nhận hai vị trí cao cấp nhất của Alibaba đều là những "cựu chiến binh" tại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Và câu hỏi đang được đặt là sự thay đổi này báo hiệu điều gì về tương lai của Alibaba?
CEO Eddie Wu
Eddie Wu là một trong những nhà đồng sáng lập Alibaba, người đầu tiên giữ chức vụ giám đốc công nghệ của công ty vào năm 1999. Kinh nghiệm Eddie Wu trải rộng từ thương mại điện tử, kinh doạn đến công nghệ cốt lõi. Điều này khiến Wu trở thành ứng viên sáng giá để giám sát những bộ phận kể trên.
Sau khi Alibaba quyết định tái cơ cấu thành 6 công ty con, Wu được bổ nhiệm làm chủ tịch của Taobao và Tmall. Đây là hai trong số những dịch vụ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.
CEO Eddie Wu từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Alibaba
Wu cũng từng là giám đốc công nghệ của Taobao và Alipay, dịch vụ thanh toán di động của Ant Group, một nhánh của Alibaba. CEO 48 tuổi cũng từng phụ trách mảng kinh doanh của Taobao và Tmall. Ông cũng là người góp phần đảy nhanh sự phổ biến của Taobao, đồng thời đưa công ty vào kỷ nguyên điện thoại thông minh.
"Việc bổ nhiệm Eddie Wu làm CEO không phải là một bất ngờ lớn. Wu là người đồng sáng lập Alibaba, đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình phát triển công nghệ lẫn khả năng kiếm tiền của Taobao và Alipay", Jacob Cooke, Giám đốc điều hành của WPIC, một công ty tiếp thị và công nghệ giúp các thương hiệu nước ngoài bán hàng tại Trung Quốc, nói với CNBC.
"Việc Wu được nâng lên làm CEO của tập đoàn là một sự chuyển đổi tự nhiên và báo hiệu tầm quan trọng không thể thay đổi của thương mại điện tử trong lộ trình phát triển của Alibaba", Jacob Cooke nói.
Tân chủ tịch Joe Tsai
Một "cựu chiến binh" khác là Joe Tsai được bổ nhiệm làm Chủ tịch mới của Alibaba. Ông đồng thời cũng là chủ tịch của công ty con chuyên về logistics, Cainiao của Alibaba. Trong hoạt động của mình, Joe Tsai tập trung nhiều vào các thương vụ quốc tế.
Tsai chỉ đạo gần như tất cả các cuộc đàm phán huy động vốn thời kỳ đầu và tham gia hàng chục thương vụ M&A của Alibaba. Ông cũng là người thu hút nhà đầu tư cho IPO của đại gia thương mại điện tử này.
"Việc bổ nhiệm Tsai làm chủ tịch hoàn toàn phù hợp với chiến lược hướng ngoại mà Alibaba đã áp dụng gần đây, với các khoản đầu tư lớn vào Lazada cũng như kế hoạch được công bố gần đây là mở phiên bản Tmall ở châu Âu", Jacob Cooke nói.
Joe Tsai - "cánh tay phải" của Jack Ma được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Aliaba
Lazada, công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore thuộc sở hữu của Alibaba, là chìa khóa cho sự mở rộng của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Thời gian cho sự thay đổi
Đã hai năm rưỡi đầy biến động trôi qua, sau khi cơ quan quản lý tạm dừng đợt IPO của Ant Group vào tháng 11/2020.
Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quy định đối với lĩnh vực công nghệ trong nước. Các cơ quan quản lý đã phạt Alibaba khoản tiền phạt chống độc quyền trị giá 18,23 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) vào tháng 4/2021.
Alibaba đứng trước nhiều thách thức trong giai đoạn sắp tới
Bên cạnh đó, Alibaba cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; sự canh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như JD.com và Pinduoduo.
Bộ phận kinh doanh dịch vụ đám mây, nơi mà CEO sắp mãn nhiệm Daniel Zhang sẽ gánh vác toàn thời gian, đã chứng kiến doanh thu giảm trong quý tháng Ba.
Hai gương mặt là Tsai và Wu sẽ phải tìm cách thúc đẩy tăng trưởng cho gã khổng lồ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục khó khăn.
Xin Sun, giảng viên cao cấp về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại Đại học King's College London đánh giá: "Tôi không nghĩ việc cải tổ nói lên quá nhiều về trọng tâm kinh doanh của Alibaba. Tôi cũng không tin rằng nó sẽ có tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của Alibaba.
Xét cho cùng, các yếu tố quan trọng nhất đằng sau hoạt động của công ty là ở cấu trúc. Chẳng hạn như sự tan rã của hệ sinh thái, môi trường pháp lý ngày càng phức tạp và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Không có cái nào trong số này đã thay đổi".
Theo bản kế hoạch được Alibaba tung ra đầy bất ngờ trong ngày 28/3, tập đoàn công nghệ trị giá hơn 200 tỷ USD sẽ được tổ chức lại theo mô hình tập đoàn mẹ và các công ty con, trong đó các mảng kinh doanh chính được tách thành 6 doanh nghiệp với ban lãnh đạo và CEO riêng biệt với nhau.
6 mảng kinh doanh trở thành các công ty con của Alibaba gồm: Cloud Intelligence Group, Taobao-Tmall, Cainiao Smart Logistics, Local Services, Global Digital Business và Digital Media & Entertainment.
Các nhà phân tích tại CreditSights tin rằng, kế hoạch mới của Alibaba có thể được áp dụng cho nhiều công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc. Tổ chức này cũng cho biết, kế hoạch "đại phẫu" không ảnh hưởng nhiều tới uy tín của Alibaba.
"Phép thử" Alibaba VTV.vn - CEO Daniel Zhang đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư khi Alibaba công bố kế hoạch chia tách đầy bất ngờ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!