Tân Hoàng Minh chờ hướng dẫn hoàn tiền trái phiếu ra sao?

TTXVN-Chủ nhật, ngày 24/04/2022 12:30 GMT+7

VTV.vn - Tân Hoàng Minh phải thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền cho khách hàng sau khi có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước và sẽ thường xuyên cập nhật thông tin mới. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xử lý các hợp đồng đến hạn và chưa đến hạn của nhà đầu tư nên tập đoàn chưa thể đưa ra lộ trình cụ thể.

Tân Hoàng Minh chờ hướng dẫn hoàn tiền trái phiếu ra sao? - Ảnh 1.

Trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng chưa nhận được văn bản, cũng như câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị tham mưu ra quyết định việc hướng dẫn hoàn trả lại tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư. Nhưng việc này còn có liên quan đến một số cơ quan chức năng khác chứ không riêng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể ra quyết định. Việc ra được quyết định cần phải bàn bạc thống nhất giữa các cơ quan về phương án, cách thức, rồi mới có hướng dẫn.

Trao đổi với phóng viên về những quy định của pháp luật về thanh toán trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp doanh nghiệp đã có kết luận thực hiện bán trái phiếu doanh nghiệp không phù hợp như trong trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW cho hay, theo quy định hiện hành, với hợp đồng trái phiếu đến hạn thanh toán doanh nghiệp sẽ hoàn trả tiền đầu tư của nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Đối với hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, Tân Hoàng Minh sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

Trong trường hợp đơn vị phát hành không trả tiền, nhà đầu tư có thể tiến hành khởi kiện đơn vị phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục khởi kiện của nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trước đó, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm: Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các công ty này chưa phải là công ty đại chúng.

Dẫn quy định của pháp luật, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, theo Khoản 3, Điều 28 Luật Chứng khoán năm 2019, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng theo phương thức quy định tại Khoản 3, Điều 25 của Luật này.

Theo đó, khi hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu, tổ chức phát hành trái phiếu phải công bố việc hủy bỏ này ra công chúng trên một tờ báo điện tử hoặc trên báo in 3 số liên tục trong thời hạn 7 ngày. Tổ chức phát hành trái phiếu cũng phải thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Ngoài việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, hết thời hạn này, tổ chức phát hành còn phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết.

Bình luận về việc Tân Hoàng Minh hiện đang đợi hướng dẫn từ phía cơ quan nhà nước để trả tiền khách hàng mua trái phiếu, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng các quy phạm pháp luật hoàn chỉnh ghi nhận quyền lợi của nhà đầu tư cũng như trách nhiệm, chế tài xử phạt và mức bồi thường cụ thể. Điều này nhằm bảo vệ quyền mua và bán chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; đảm bảo thứ tự ưu tiên trong các lệnh đặt mua, đặt bán và khả năng thanh toán từ phía các bên phát hành chứng khoán; có cơ chế công bố thông tin kịp thời, công khai, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.

Việc công khai thông tin về công ty có cổ phiếu, trái phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn, quyết định mua bán và sẽ tạo sự cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa hành vi kiếm lời không chính đáng.

Hiện nay, nhiều bên phát hành chứng khoán không có cơ chế quản trị rủi ro hiệu quả để bảo vệ mình và nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân. Nếu các công ty phát hành này sụp đổ, vỡ nợ hay khi nhà đầu tư bị lừa, bị chiếm dụng vốn thì sẽ không có người đứng ra bồi thường cho họ. Việt Nam hiện chưa có một tổ chức nào làm việc này, trong khi nhiều thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc)... thì mô hình quỹ và công ty bảo vệ nhà đầu tư đã hoạt động rất thành công.

Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản là có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành quỹ đền bù, bảo vệ nhà đầu tư; có cơ quan đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ; có cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể. Qua đó, một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Các công ty, tổ chức, hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư trong cơ chế này là tổ chức xã hội hoặc thuộc Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận và có nguồn quỹ để bảo vệ nhà đầu tư.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, tính minh bạch trong việc công khai hóa thông tin hiện nay còn rất thấp. Do vậy, cần đảm bảo sự công khai minh bạch, cũng như có những biện pháp xử lý kịp thời ngăn chặn khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế thì loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định mà theo quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng trái phiếu tại Điều 5 Nghị định này, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Vì vậy trong trường hợp này, Tân Hoàng Minh phải thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 28 Luật Chứng khoán 2019.

Ngân hàng không đầu tư, mua bán trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh Ngân hàng không đầu tư, mua bán trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh

VTV.vn - Ngân hàng SHB và Vietinbank khẳng định không liên quan đến việc mua, bán hay đầu tư các lô trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước