5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt kỷ lục 9,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Nhật tăng mạnh nhất.
Ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1,1% tỷ trọng GDP của Nhật Bản, trong khi dân số 125 triệu người với nhu cầu về lương thực, thực phẩm khá lớn, đây là thị trường không thể bỏ qua của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần chú ý tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường này. Đây là nội dung chính trong Hội thảo Cơ hội từ Hiệp định RCEP để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản được tổ chức ngày 5/7.
Vải thiều được bày bán tại một siêu thị ở Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)
Là đơn vị đầu tiên phân phối vải thiều Việt Nam tại Nhật Bản, đến nay loại quả này đã được đông đảo người Nhật yêu thích. Từ đầu mùa đến nay, toàn hệ thống đã tiêu thụ 25 tấn vải tươi. Không chỉ vải, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đánh giá cao.
"Rất nhiều loại nông sản như xoài, vải của Việt Nam đã xuất khẩu trong hệ thống của chúng tôi, thủy sản có mực, cá da trơn. Cá ba sa da trơn là loại phổ biến ưa chuộng nhất trong siêu thị. Khi xuất khẩu cá, hải sản sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần lưu ý người Nhật thích đồ có thể ăn tươi sống", ông Shiotani Yuichiro, Giám đốc Aeon Topvalue Việt Nam, chia sẻ.
Không chỉ hợp khẩu vị với người Nhật, lợi thế của các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam là được giảm thuế theo lộ trình bởi các FTA đã ký nên giá cả rất cạnh tranh. Tuy nhiên đảm bảo thương hiệu, ổn định chất lượng, tuân thủ tiêu chuẩn là những khó khăn doanh nghiệp xuất khẩu Việt phải vượt qua.
"Các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất cấm trong sản phẩm nông, thủy sản, hàng năm Nhật Bản vẫn phát hiện khoảng 100 vụ vẫn còn dư chất cấm, vượt quá tiêu chuẩn cho phép", ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết.
"Trong bối cảnh tình hình diễn biến khó khăn, các quốc gia sẽ điều chỉnh những chính sách của họ. Vì vậy, chúng ta cần nắm bắt kịp thời", bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Sắp tới, theo Bộ Công Thương, họ sẽ tăng cường các cuộc xúc tiến thương mại trực tuyến và trực tiếp để hỗ trợ các doanh nghiệp chinh phục thị trường này, cũng như hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng quy tắc xuất xứ C/O để được ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!