Ngày 19/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn kinh tế xã hội lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững đã được tổ chức tại Hà Nội và 6 điểm cầu trên cả nước. Diễn đàn năm nay đã thu hút được sự quan tâm của của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, cơ quan quản lý nhằm kiến tạo chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại các phiên thảo luận chuyên đề sáng nay và phiên thảo luận toàn thể chiều nay, hầu hết các ý kiến đều khẳng định, sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Việt Nam vẫn là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy, một số đại biểu cũng cho rằng, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần phải có giải pháp đột phá để khơi thông các động lực cho sự phát triển.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho biết: "Nếu chúng ta làm những chính sách bình thường thì doanh nghiệp khó có thể vực dậy và đất nước khó có thể vượt qua các nước khác trong khu vực. Chúng ta cần cái đột phá, đó là gì? Để khơi thông nguồn lực, nguồn vốn cho doanh nghiệp, đó là trung tâm tài chính, đó là chính sách kích cầu về du lịch, đó là chính sách hỗ trợ DN 1 cách thiết thực".
Tại diễn đàn, nhiều giải pháp đã được đề xuất. Nhiều ý kiến cho rằng về ngắn hạn cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Còn dài hạn, cần có các giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định: "Vấn đề chiến lược trong thời gian tới làm sao có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Hiện nay cái bức tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước tương đối yếu. Chúng ta chưa chủ động tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Các bức tranh xuất khẩu sản xuất công nghiệp hiện nay chủ yếu phụ thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian tới cần những cơ chế và sự phối hợp nguồn lực hiệu quả hơn để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong nước".
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết: "Chúng ta cần phải triển khai điều tiết kết hợp đầu tư công cấp khu vực tốt hơn, ví dụ như vùng DBSCL và miền núi phía Bắc, sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi sự phối hợp giữa các tỉnh thành được triển khai tốt hơn. Có sự phối hợp ở cấp trung ương, triển khai ở cấp địa phương, nhưng lại thiếu đi sự phối hợp giữa các tỉnh thành trong cùng một khu vực.Vậy nên tôi nghĩ việc đạt được hợp tác khu vực sẽ là một yếu tố then chốt".
Một số đại biểu cho rằng, lạm phát không đáng lo ngại, đồng thời cho rằng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sẽ là động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Alexander Koch, Tổng giám đốc Điều hành của HEINEKEN Việt Nam, nhận định: "Kinh tế xanh và bền vững là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nó là câu chuyện về sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động đến môi trường. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Việt Nam thông qua các cơ chế thuận lợi để triển khai năng lượng mặt trời thời gian vừa qua. Năng lượng tái tạo cũng là định hướng Việt Nam đang theo đuổi, qua đó kiến tạo động lực cho tăng trưởng bền vững".
Đánh giá cao những gợi ý chính sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Quan tâm đến 5 động lực tăng trưởng mới gồm: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: "Chúng ta cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, đột phá thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, khôi phục củng cố niềm tin, tạo luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh. Đây là yêu cầu có tính tối thượng".
Những ý kiến trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu sẽ được tổng hợp, gửi đến các quan của Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; góp phần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được trình tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!