Tăng nguồn cung năng lượng từ nguồn điện gió Tây Bắc

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 09/06/2022 20:48 GMT+7

VTV.vn - Hiện nguồn điện gió tại khu vực Tây Bắc đang được xem xét, bổ sung vào bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khu vực Tây Bắc, với tiềm năng cung cấp khoảng 7.000 MW từ nguồn năng lượng gió mỗi năm. Hiện nguồn điện gió này đang được xem xét, bổ sung vào bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII), qua đó sẽ góp phần thực hiện chuyển đổi nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trạm đo sức gió tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, báo cáo trên cơ sở các công trình nghiên cứu về tiềm năng năng gió cho thấy, tất cả các điểm khảo sát đều cho mức gió vượt yêu cầu, để triển khai các dự án năng lượng gió với tiềm năng lớn.

"Qua khảo sát của chúng tôi tại các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, mức gió đều đạt trên 6 m/giây. Riêng tại huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, mức gió đạt cao ở mức 7 m/giây. Như vậy, tiềm năng điện gió tại khu vực này là rất lớn", ông Miguel A. Rodriguez, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Siemens Gamesa, cho biết.

Tăng nguồn cung năng lượng từ nguồn điện gió Tây Bắc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Theo đánh giá tiềm năng của Viện Năng lượng, Điện Biên có tiềm năng phát triển điện gió với tổng công suất là từ 2.500 - 3.000 MW. Đến nay, các nhà đầu tư đề xuất tổng công suất dự kiến là khoảng 1.400 MW", ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên, cho hay.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ riêng các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên..., khi khai thác tối đa tiềm năng, mỗi năm ước tính, khu vực này sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 20 tỷ kWh từ nguồn điện gió.

"Nếu như 7 GW điện gió được đặt tại Tây Bắc, tôi kỳ vọng rằng đó là tính toán, là kết quả đầu ra của bài toán quy hoạch, thay vì chúng ta đặt vào đó một cách cơ học", PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, nói.

Theo ước tính, nếu 7 GW điện gió được đưa vào vận hành, sẽ đóng góp cho nguồn thu ngân sách địa phương của khu vực này khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm.

"Nếu như được Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện VIII thì sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, cho xóa đói giảm nghèo, cho đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Điện Biên", ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhận định.

"Chúng tôi cũng thống nhất sẽ phát huy tối đa tiềm năng của khu vực Tây Bắc. Những nguồn điện gió này sẽ thực sự tạo thêm công ăn việc làm cho địa phương, cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế các tỉnh Tây Bắc", ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết.

Theo đề án quy hoạch điện VIII, về phân bổ cơ cấu nguồn, đến năm 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, điện sinh khối sẽ chiếm khoảng 25% tổng quy mô công suất nguồn, đến năm 2045 đạt trên 42%.

Việc sớm bổ sung nguồn điện gió khu vực Tây Bắc vào bản quy hoạch điện VIII, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà sẽ rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế, xã hội của khu vực này trong tương lai.

Tận dụng lợi thế để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi Tận dụng lợi thế để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi

VTV.vn - Công ty năng lượng Na Uy Equinor chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội, đánh dấu một mốc quan trọng trong danh mục hợp tác kinh doanh Na Uy - Việt Nam.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước