Mỹ gia tăng sức ép lên các doanh nghiệp Trung Quốc
Hủy, không hủy rồi lại hủy… đó là những gì đã diễn ra trong những ngày qua với 3 hãng viễn thông hàng đầu của Trung Quốc niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ. Đi kèm với những biến động đó là sự bất ổn cho cả các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này.
Vào tháng 12/2020, Sàn Chứng khoán New York thông báo sẽ hủy niêm yết của 3 hãng viễn thông Trung Quốc. Quyết định này dựa trên cơ sở sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, cấm các nhà đầu tư Mỹ giao dịch với những công ty này do nằm trong "danh sách đen" có liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, Sàn New York lại thay đổi quan điểm để rồi một lần nữa đảo ngược quyết định chỉ 2 ngày sau đó. Cổ phiếu của 3 tên tuổi này đã lao dốc 8 - 11% theo sau những bước đi khó lường của sàn New York.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chịu những rắc rối khác từ sắc lệnh trên. Các rổ chỉ số toàn cầu của S&P Dow Jones, FTSE Russell hay MSCI đã đồng loạt đóng cửa với những tên tuổi bị rơi vào "danh sách đen", gồm cả những cái tên đang lên như hãng chip bán dẫn SMIC hay công ty công nghệ giám sát Hikvision.
Đáng chú ý hơn nữa, khi hôm 6/1, theo nguồn tin Thời báo Phố Wall, Bộ Tài chính Mỹ đang cân nhắc sẽ xếp cả Alibaba và Tencent vào danh sách đen. Cổ phiếu của cả 2 ông lớn đã đồng loạt lao dốc hơn 4% trên sàn Hong Kong, Trung Quốc ngay sau khi thông tin này được đưa ra.
Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là cú đánh mạnh nhất từ giới chức Mỹ đối với Trung Quốc, nhằm thẳng vào những tên tuổi dẫn đầu công nghệ và Internet của nước này ngay trong những ngày cuối nhiệm kỳ chính quyền Tổng thống Trump.
Các nhân viên làm việc tại Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Ảnh: Reuters.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã có những năm tháng không hề dễ thở tí nào. Liên tiếp các lệnh trừng phạt, đưa vào danh sách đen và chặn cửa đầu tư, cuối cùng là huỷ niêm yết.
Tới nhiệm kỳ của ông Biden, có thể tình hình vẫn sẽ không khá lên, ít nhất là không khá lên ngay lập tức. Việc bị huỷ niêm yết, loại bỏ khỏi các chỉ số toàn cầu có thể ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư muốn mua cổ phiếu các công ty Trung Quốc, một số công ty viễn thông sẽ bị coi là kém hấp dẫn, đồng thời ảnh hưởng tới việc gọi vốn của các công ty này tại nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Citigroup, các công ty viễn thông lớn của Trung Quốc vẫn hoạt động và phụ thuộc chính vào thị trường nội địa. Chính vì thế, dòng vốn chính cũng như các hoạt động của những công ty này sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các động thái từ Mỹ. Khi môi trường tại Mỹ đang trở nên khó đoán hơn, nhiều công ty Trung Quốc đã chọn cách quay đầu hồi hương.
Năm 2020 ghi nhận số thương vụ IPO với giá trị lịch sử tại thị trường Trung Quốc 75 tỷ USD nguồn vốn đến từ khoảng 400 vụ IPO. Đáng kể là thương vụ niêm yết của hãng sản xuất chip SMIC trên thị trường chứng khoán STAR tại Thượng Hải và thương vụ niêm yết lần thứ 2 của "ông lớn" thương mại điện tử JD.com tại Hong Kong.
Điều này được các hãng kiểm toán bình luận rằng nó cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc cũng như khả năng hoạt động hiệu quả của các sàn giao dịch chứng khoán nước này.
Nhà đầu tư Mỹ gặp khó vì doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết
Hiện lượng vốn các doanh nghiệp Trung Quốc huy động được từ IPO tại Mỹ năm 2020 là hơn 11 tỷ USD, còn tại Trung Quốc, gấp gần 7 lần 75 tỷ USD - mức cao nhất trong 10 năm qua. Những đòn đánh lần này của ông Trump chưa chắc đã tác động mạnh tới những công ty Trung Quốc bị huỷ niêm yết.
Còn các nhà đầu tư phố Wall có sở hữu cổ phiếu của các công ty bị niêm yết thực sự đang trải qua những ngày đứng ngồi không yên. Các biện pháp của giới chức Mỹ đang buộc họ phải tính cách xử lý "củ khoai nóng bỏng tay" này trước thời hạn chót là ngày 11/1.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: US News Money)
Theo Thời báo Phố Wall, các nhà đầu tư tại Mỹ đang nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết sẽ buộc phải bán đi trước ngày 11/1. Bởi sau thời hạn đó, các cổ phiếu này sẽ bị sụt giảm giá trị và khó giao dịch hơn.
Ngay cả trong trường hợp giới đầu tư cố gắng chuyển đổi sang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), quy định mới của Mỹ cũng sẽ buộc họ phải bán hết cổ phiếu trước tháng 11.
"Điều này dẫn đến sự tốn kém không đáng có đối với các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ. Ví dụ như Goldman Sachs - công ty hiện đang sở hữu 20% cổ phiếu lưu hành quốc tế của các doanh nghiệp bị hủy niêm yết. Họ đã phải thoái vốn sau khi có tin đồn sàn New York hủy niêm yết, rồi lại mất công mua lại khi có thông tin không hủy nữa. Cuối cùng, khi việc hủy niêm yết diễn ra thật, Goldman Sachs lại phải bán chúng thêm một lần nữa. Điều này gây nhiều tổn thất về chi phí và làm biến dạng thị trường", ông Euan Rellie - chuyên gia phân tích tại BDA Partners nói.
Theo các chuyên gia, thực tế này đang gây khó khăn lớn cho giới đầu tư Mỹ, bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực tăng trưởng cao như công nghệ.
Ông Euan Rellie - chuyên gia phân tích tại BDA Partners cho biết: "Mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc là rất cần thiết. Họ là khách hàng quan trọng đối với sản phẩm của nước Mỹ và đồng thời cũng là nhà cung cấp nhiều sản phẩm nước Mỹ cần. Những gì chúng ta cần là một chính sách minh bạch, hợp lý không phải cách tiếp cận như thế này".
Giới đầu tư lo ngại, nếu căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không sớm được hạ nhiệt, sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro khó lường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!