Thế giới đã bước sang năm 2023 được hơn 2 tuần. Theo âm lịch, chỉ còn vài ngày nữa là sang năm Quý Mão. Đây cũng là thời điểm các tổ chức và giới chuyên gia cập nhật đánh giá về nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 10/1, trích đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Reuters cho biết, năm 2023, GDP toàn cầu chỉ đạt 1,7%, mức thấp nhất kể từ năm 1993, không tính giai đoạn 2009 - 2020.
Trước đó, ngân hàng này từng dự báo mức tăng trưởng 3%. Theo ngân hàng này, sự chậm lại ở các nền kinh tế phát triển, như Mỹ hay Eurozone, có thể là chỉ báo cho một cuộc suy thoái toàn cầu mới, chỉ chưa đầy 3 năm so với lần trước.
Trang tin của Diễn đàn Kinh tế thế giới ngày 16/1 đặt câu hỏi: "Suy thoái toàn cầu năm 2023 ư?. Điều đó còn tùy thuộc bạn ở khu vực nào". Số nhà kinh tế học của diễn đàn cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ chắc chắn rơi vào suy thoái tăng lên mức 20%. Tuy nhiên phần lớn họ cho rằng khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á sẽ vẫn tăng trưởng ổn định hoặc mạnh. 9/10 nhà kinh tế dự đoán kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ tăng trưởng yếu.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 1,7%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Tăng trưởng yếu là yếu tới mức nào? Nếu có suy thoái thì nhanh hay chậm, nông hay sâu? Đây là điều các nhà đầu tư Mỹ rất băn khoăn những ngày qua.
Tạp chí Forbes cho biết, các định chế tài chính cũng có đánh giá khác nhau về suy thoái của kinh tế Mỹ. Wells Fargo dự báo sẽ chắc chắn suy thoái, sau đó phục hồi và tăng trưởng trở lại vào cuối năm. Goldman Sachs và JPMorgan nhận thấy kinh tế Mỹ có thể sẽ có chút "tổn thương", hoặc nếu không thì tương đối bình thường.
Dù có hay không, dài hay ngắn, bài báo kết luận rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm chống tác động từ suy thoái (nếu có).
CNBC có bài mới nhất ra ngày 17/1 cho rằng nỗi lo suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh. Khảo sát của BofA với các nhà quản lý các tập đoàn cho thấy họ vẫn lo lạm phát và lãi suất cao là mối nguy kìm đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên sự lo lắng đã giảm xuống mức 68% so với mức đỉnh 77% vào tháng 11/2022. Đây là tín hiệu tốt cho các thị trường đầu tư, vì nó cho thấy nỗi sợ hãi mang tên kinh tế đã qua đỉnh và nhiều nhà đầu tư coi chính sách tiền tệ hiện nay của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) vẫn là hà khắc.
Điều này có nghĩa có thể là sức ép dẫn tới việc cơ quan có vai trò như Ngân hàng Trung ương Mỹ trong việc nới lỏng dần chu kỳ tăng lãi suất và rất có thể sẽ có lần hạ lãi suất đầu tiên trong vòng 12 tháng tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!