Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018 (VFS 2018), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong, qua 30 năm "Đổi Mới" đã làm thay đổi hẳn diện mạo nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm qua, qua đó giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.
Ngoài ra, năm 2017 đã ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 127.000 doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài thu hút được gần 36 tỷ USD. Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc xếp thứ 68/190 nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù có nhiều đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua song kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước không ít các thách thức (Ảnh: Dân trí)
Đứng trước những con số hết sức khả quan trên song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước không ít các thách thức: GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu kinh tế, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
"Việt Nam phải tăng trưởng cao trong một thời gian dài mới rút ngắn được khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên tăng trưởng luôn phải đảm bảo yếu tố bền vững. Nếu chúng ta không tìm ra động lực phát triển mới, không có giải pháp hữu hiệu phù hợp thì khó thoát ra bẫy thu nhập trung bình", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
"Nếu chúng ta không tìm ra động lực phát triển mới, không có giải pháp hữu hiệu phù hợp thì khó thoát ra bẫy thu nhập trung bình", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định tại Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội là những trụ cột chính của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi có sự chung tay của tất cả các quốc gia.
Để thực hiện tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện 6 nhóm giải pháp:
- Thứ nhất, tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Thứ hai, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
- Thứ ba, cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo: Đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế Nghiên cứu và Phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
- Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị. Theo đó, tích cực thát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP.HCM, Hà Nội, làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.ư
- Thứ năm cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Trong đó, phát triển cung cấp dịch vụ công, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.
- Cuối cùng là phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được tổ chức bởi Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018 (VFS 2018) nhằm mục tiêu mang đến một cơ hội trao đổi kịp thời và có giá trị cao cho những bên liên quan từ những nhà nghiên cứu, học giả cho đến các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ. Cùng nhau thảo luận những ý tưởng, biện pháp và xu hướng toàn cầu vì một xã hội phát triển bền vững nói chung và nói riêng với những đặc trưng của Việt Nam.
VFS 2018 sẽ diễn ra trong 2 ngày 18/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội và ngày 19/1 tại UBND tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!