Tăng vốn - tăng nguồn lực cho vùng Tây Bắc

-Thứ năm, ngày 22/09/2016 15:13 GMT+7

VTV.vn - Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tại Tây Bắc...

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững tại Tây Bắc, là điều được các đại biểu thẳng thắn đề cập trong Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc (giai đoạn 2011 - 2015) do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh Lào Cao phối hợp tổ chức sáng nay, ngày 21/9 tại Lào Cai.

Nguồn vốn có nhưng chưa đủ…

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, mặc dù năm 2015, 2016 tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vẫn còn khó khăn, cân đối ngân sách nhà nước vẫn còn căng thẳng nhưng Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn ưu tiên dành nguồn vốn để bổ sung cho NHCSXH. Thủ tướng đã quyết định bổ sung tăng trưởng tín dụng chính sách năm 2015 thêm 3,5%, năm 2016 thêm 0,2% đưa tổng tăng trưởng tín dụng chính sách năm 2015, 2016 lên 10%.

Đồng thời, ông Thắng cũng nhấn mạnh về việc NHCSXH cũng đã nhận được sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm từ 4 NHTM nhà nước như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank trong việc gửi tiền 2% số dư nguồn vốn huy động bằng Việt Nam đồng của các đơn vị này để tạo lập nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Số tiền gửi bổ sung trong 2 năm (2015, 2016) là 13.982 tỷ đồng, đến nay, tổng số dư tiền gửi 2% của 4 NHTM nhà nước tại NHCSXH là 44.035 tỷ đồng, chiếm 28% tổng nguồn vốn của NHCSXH.

"Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các tỉnh trong vùng đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH… đưa tổng nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng trên địa bàn đến nay là 492 tỷ đồng", ông Thắng nói.

Tuy vậy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức… Bên cạnh những nguyên nhân như Tây Bắc thường xuyên chịu sự biến đổi của khí hậu, dẫn đến xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, mưa tuyết; xảy ra liên tiếp các đợt dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi, gia súc, gia cầm… còn là nguyên nhân thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời... Đồng thời, nguồn vốn địa phương của các tỉnh vùng Tây Bắc dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế…

"Trong hai năm qua, các tỉnh vùng Tây Bắc mới chỉ bổ sung thêm 91 tỷ đồng ủy thác cho NHCSXH cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn", phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết thêm.

Điều này cũng thể hiện rất rõ trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn khi ông Hà Văn Bàn, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Lào Cai kiến nghị: "Chính phủ tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính khác để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mở rộng đối tượng được vay vốn chương trình học sinh sinh viên với hộ không phải hộ nghèo nhưng có 2-3 con đang theo học đại học".

Còn đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Yên Bái nói: "Kiến nghị với Chính phủ, NHCSXH bổ sung nguồn vốn vay cho chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho những hộ thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế hộ".

Cần sự hỗ trợ của các Bộ, Ban, ngành có liên quan…

Với vai trò là Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT NHCSXH, ông Lê Minh Hưng nói: "NHNN cam kết sẽ chỉ đạo ngành Ngân hàng, trong đó có NHCSXH thực hiện đúng và có hiệu quả các nhiệm vụ của mình trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn Tây Bắc nói riêng, đảm bảo NHCSXH thật sự là công cụ hữu hiệu thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác".

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Bình chia sẻ, sự nghiệp xoá đói giảm nghèo ở Tây Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nội dung quan trọng nhất, nội dung đầu tiên trong năm nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc trong nhiệm kỳ này. Theo đó, ông Bình thống nhất các đề xuất tập trung vào những điểm sau: thứ nhất, giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm theo mục tiêu Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân khoảng 10%/năm). Thứ hai, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách cho NHCSXH theo quy định tại các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, chỉ đạo các Bộ, ngành khi tham mưu Chính phủ ban hành chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội cần bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách. Thứ tư, Ban Cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các cơ chế, chính sách giảm nghèo cho vùng Tây Bắc, đặc biệt là đối với các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trong Vùng và có các kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đối với vùng Tây Bắc.

Thứ năm, chỉ đạo các địa phương thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Đặc biệt, có chính sách quy hoạch phát triển vùng kinh tế nhằm giúp cho hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH phát huy hiệu quả hơn. Thứ sáu, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp chặt chẽ cùng NHCSXH tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Tây Bắc, đặc biệt là 06 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao; dành sự quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thứ bảy, Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị; xác định tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ bắt buộc của của cấp ủy, chính quyền địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện; bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hàng năm ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước