Tấp nập dự án FDI mở trường đua ngựa

Hà Nguyễn (Báo Đầu tư)-Thứ tư, ngày 24/08/2016 15:32 GMT+7

Không chỉ là đua ngựa, "cuộc đua" xin mở trường đua tại Việt Nam còn lan sang cả lĩnh vực đua mô tô, ô tô. Ảnh: Đức Thanh

VTV.vn - Đề xuất về việc khởi động lại dự án trường đua ngựa tại tỉnh Vĩnh Phúc một lần nữa được nhắc đến.

G.O Max lần đầu tiên đề cập việc xây dựng một trường đua ngựa tại Vĩnh Phúc từ năm 2007, tức là gần 10 năm trước. Khi ấy, tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án này trên quy mô 400 ha, vốn đầu tư dự kiến là 570 triệu USD. Tuy nhiên, Dự án chưa được xem xét vì các dự án liên quan tới các hoạt động cá cược vẫn bị hạn chế. Cũng chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này, mặc dù theo quan điểm từ các nhà quản lý, việc cho phép xây dựng trường đua ngựa sẽ làm tăng tính hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế.

Một cách đầy kiên trì, năm 2010, G.O Max tiếp tục quay lại và bày tỏ quyết tâm triển khai dự án. G.O Max thậm chí còn cam kết sẽ biến trường đua ngựa tại Vĩnh Phúc trở thành một trong những trường đua ngựa hiện đại nhất thế giới. Không chỉ xây trường đua ngựa tại đây, G.O Max còn dự định mở 50 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để phục vụ việc kinh doanh trường đua tại Việt Nam.

Và nay, một lần nữa, G.O Max đã trở lại. Tuy nhiên, một lãnh đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mới chỉ là nhà đầu tư "bày tỏ mong muốn và đề xuất" dự án. Dự án này cũng chưa được cấp chứng nhận đầu tư.

Dù vậy, sự trở lại của G.O Max một lần nữa chứng tỏ sức hút của các dự án trường đua tại Việt Nam lớn chừng nào. Nhiều khả năng sự trở lại của G.O Max liên quan tới việc mới đây, Chính phủ Việt Nam hối thúc các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện và trình dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược, đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Thực tế là không chỉ có G.O Max trở lại. Theo thông tin vừa được công bố, một công ty khác của Hàn Quốc là Global Consultant Network cũng vừa ký thỏa thuận thành lập liên doanh với Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) để triển khai xây dựng Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao tại Hà Nội. Dự án có vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD.

Dự án này trên thực tế đã được cấp phép từ năm 1999, nhưng sau đó chưa được triển khai, vì nhiều lý do liên quan tới đất đai, thay đổi nhà đầu tư, cũng như hành lang pháp lý về kinh doanh đặt cược chưa được hoàn thiện. Và nay, có lẽ là để "đón đầu" cho sự ra đời của nghị định của Chính phủ về đặt cược, dự án sẽ được khởi động trở lại.

Trên thực tế, không chỉ 2 dự án nói trên, mà thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất các dự án trường đua ngựa ở Việt Nam. Công ty Golden Turf Club Pty Ltd cách đây ít tháng cũng đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường đua ngựa Phú Yên, quy mô 134 ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kong) đang lên kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa ở Đà Nẵng. Giữa năm ngoái, Công ty TNHH Thể thao Việt - Úc cũng đã đề xuất lên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dự án Tích hợp và trường đua ngựa quốc tế, với quy mô 150 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 158 triệu USD…

Rất nhiều dự án như vậy và theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, một lĩnh vực vui chơi giải trí lành mạnh như vậy nên được khuyến khích. Tuy nhiên, phải nhìn vào một thực tế là đã gần 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cho đến nay, chưa có dự án trường đua ngựa nào được triển khai thành công.

"Nói vậy để thấy rằng, xây dựng trường đua không đơn giản, không chỉ cần có diện tích đất, xây dựng được ở nơi có nhu cầu thực sự, chưa kể là phải đào tạo người luyện ngựa… Nhưng một điều kiện quan trọng khác, muốn có dân đến xem, thì phải cho phép đặt cược, mà chúng ta lại chưa có nghị định về kinh doanh đặt cược. Chưa có những ràng buộc pháp lý một cách rõ ràng, nhà đầu tư sẽ không triển khai dự án và không thể phát triển được các dự án này, nhà đầu tư đến rồi sẽ tại đi", GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Trên thực tế, cũng giống như nghị định về kinh doanh casino, Chính phủ Việt Nam đang hối thúc các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện và trình dự thảo nghị định về kinh doanh đặt cược. Đã gần 10 năm chuẩn bị, nghị định này vẫn chưa thể ra đời.

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 8 này, Bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định. Và một trong những nội dung quan trọng, đó là vẫn sẽ giữ nguyên quy định về hạn mức tối thiểu và tối đa cho một lần đặt cược, đó là 10.000 đồng và 1 triệu đồng cho mỗi người chơi trong một ngày. Quy định ở mức như vậy, theo Bộ Tài chính, là để kiểm soát chặt chẽ người chơi, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những điều khoản nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất trong những lần thảo luận về dự thảo nghị định trước đây. Một bên cho rằng, mức đặt cược quá thấp sẽ không… khuyến khích người mê đỏ đen và có điều kiện tiền bạc tham gia, bởi họ sẽ vẫn tìm cách chơi bên ngoài. Như vậy sẽ không đưa được hoạt động này vào khuôn khổ, không hạn chế được tình trạng cá cược ngoài xã hội, không hạn chế được chảy máu ngoại tệ. Một bên thì khẳng định, đưa ra mức đặt cược chỉ 10.000 đồng chẳng khác gì... khuyến khích cả xã hội tham gia cá cược.

Trong khi dự thảo nghị định vẫn đang được hoàn thiện và đưa ra lấy ý kiến công luận, thì xét trên khía cạnh đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, dù gì, đây cũng là lĩnh vực kinh doanh liên quan đến cá cược, do vậy không thể cấp phép quá tràn lan và cũng phải chọn lựa các nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước