Nguyên nhân của tình trạng này là do sự chồng chéo trong phân công trách nhiệm quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Hệ quả là đất rừng có nơi thì không ai quản lý, có nơi thì tới 2-3 chủ cùng tranh chấp.
Cuối tháng 10/2016, một vụ nổ súng khiến 3 người chết, 16 người bị thương xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Nguyên nhân của vụ việc được xác định do mâu thuẫn trong tranh chấp đất lâm nghiệp giữa Công ty TNHH thương mại Long Sơn với người dân tại chỗ. Vụ án mạng rúng động này là hậu quả của tình trạng tranh chấp đất kéo dài dai dẳng trong nhiều năm, một thực trạng báo động không chỉ ở Đăk Nông mà còn nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên.
Bên cạnh tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên dẫn đến việc rừng và đất lâm nghiệp bị xâm lấn ngày càng nhiều, còn có hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương giao đất, giao rừng để trục lợi. Gần đây nhất, một vụ chuyển nhượng trái phép rừng trồng xã Quảng Sơn, huyện Đăk G'long, tỉnh Đăk Nông đã bị phanh phui.
Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng và đất lâm nghiệp, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông - lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Bởi hầu hết các công ty lâm nghiệp đều có đất tranh chấp, khiếu nại. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí để rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rà soát đất đai của các công ty lâm nghiệp, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!