Thách thức khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Kate Trần-Thứ tư, ngày 29/05/2024 13:57 GMT+7

Ngày càng nhiều thị trường yêu cầu về chuyển đổi xanh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu

VTV.vn - Một trong những thách thức lớn khiến doanh nghiệp xuất khẩu "đau đầu" hiện nay chính là sản phẩm hàng hóa phải hướng tới đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi xanh của kinh tế

Đối mặt với nhiều thách thức phía trước

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu tháng 5 đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 14,64 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16% (so với cùng kỳ 2023; tương đương tăng thêm 19,17 tỷ USD).

Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hoá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của nước ta. Thống kê mới nhất cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng tới 15,8%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,0%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,0%.

Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD).

Cũng trong 5 tháng đầu năm nay có tới 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%). Các mặt hàng này đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.

Bộ Công thương vừa đưa nhận định lạc quan về tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2024 và những giải pháp tiếp tục khơi thông dòng chảy thương mại để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hơn 6% trong năm 2024. Bộ này nhấn mạnh, cầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng và nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ tăng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. 

Trao đổi với báo giới xung quanh câu chuyện này, TS.Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, lạm phát ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU bắt đầu giảm dù chưa nhiều; lượng hàng tồn kho đã cạn; Ngân hàng Trung ương các nước đã ngừng tăng lãi suất và có thể từ tháng 6 hoặc tháng 7 tới, nhiều nền kinh tế lớn sẽ giảm lãi suất, khi đó, kinh tế thế giới sẽ bắt đầu nhích dần lên. Trong bối cảnh đó, cộng thêm việc nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cao, xuất khẩu phụ thuộc lớn vào thế giới...chính là nền tảng tốt để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay.

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế dự báo, doanh nghiệp Việt đang ngày càng tận dụng hiệu quả hơn các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết. Minh chứng, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang các thị trường FTA đều có sự phục hồi tốt. theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực ASEAN tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mặc dù có nhiều cửa sáng, song không thể chủ quan với tình hình địa chính trị trên thế giới, tình hình bảo hộ mậu dịch, thực hiện những điều ước quốc tế đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến xuất khẩu trong thời gian tới. Hơn thế nữa, xung đột nổ ra ở nhiều nơi sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá.

Đặc biệt, điều các chuyên gia lo lắng cảnh báo và cũng khiến doanh nghiệp "đau đầu" chính là những thách thức đang hiện hữu về vấn đề đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi xanh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. 

Thách thức khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh - Ảnh 2.

Ngày càng nhiều thị trường yêu cầu về chuyển đổi xanh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu

Đơn cử như tại thị trường EU - yêu cầu đối với hàng nhập khẩu phải đáp ứng nhiều yêu cầu về nguồn gốc, môi trường và liên tục ra cảnh báo sẽ áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, thải khí nhà kính...Rõ ràng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh đang ngày càng được nâng cao. 

Đề cập đến tác động của tiêu chuẩn xanh EU đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nguy cơ hiện hữu ngay trước mắt là khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh đang ngày càng được nâng cao. Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà cũng là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm tại thị trường này, bởi vì các tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc đang thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn.

Do đó, nếu muốn xuất khẩu tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp bắt buộc phải giải quyết được bài toán về đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi xanh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Làm thế nào để giải bài toán "chuyển đổi xanh"?

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu và là một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Mặc dù, quá trình chuyển đổi xanh đều có lộ trình để thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều.

Trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu, Mỹ rất chủ động trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao này, thì nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn tâm lý e ngại, hoặc chưa đủ nguồn lực để tiến hành chuyển đổi sang sản xuất xanh, vốn là một quá trình đòi hỏi nguồn tài chính lớn và áp dụng nhiều công nghệ cao.

Có thể thấy, thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã và đang trở thành xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia. Và Việt Nam cũng không thể ngoại lệ. 

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất khẩu xanh là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường. Điều này phù hợp với định hướng của Việt Nam về thay đổi mô hình tăng trưởng tương lai từ phương thức sản xuất dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển bền vững.

"Kinh tế xanh là một trong những định hướng phát triển kinh tế chính trong tương lai của Việt Nam, do đó doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước và các hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, và các đơn vị khác liên quan trong hành trình “xanh hóa” hoạt động sản xuất và xuất khẩu", bà Trang nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, bản thân các thị trường nhập khẩu cũng sẽ có sự hỗ trợ đối với các nước. Ví như từ phía đối tác EU, trong ngắn hạn, nhà nhập khẩu của khu vực này đang thiết lập các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chuyển đổi sang việc tuân thủ các quy định mới thông qua việc triển khai các công cụ và cơ chế tốt hơn để cung cấp thông tin sản phẩm, cải thiện các hoạt động chế biến, sản xuất một cách hài hoà, chẳng hạn như hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số...Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm được sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp và các tổ chức, chương trình từ EU trong quá trình chuyển đổi sang chế biến và sản xuất hàng hoá bền vững hơn.

Trao đổi với phóng viên VTVTimes, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong nửa cuối năm, ngành Công thương đang chủ động phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các FTA. Song song với đó thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, Bộ Công thương chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi xanh.

Đối với một số FTA, như EVFTA chẳng hạn, hai bên sẽ phối hợp với nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình liên quan đến cơ chế về định giá carbon, giảm thải carbon. Theo đó, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với các yêu cầu cần phải chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu làm sao đảm bảo được quy trình sản xuất thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại môi trường...

Theo Bộ Công thương, chuyển đổi xanh không cần phải chi tiền ngay mà có thể đầu tư nguồn lực, tài chính chia theo từng bước. Trước tiên doanh nghiệp cần rà soát xem thực hành các quy định về môi trường, lao động… sau đó đến khâu chuyển đổi công nghệ sản xuất. Trong quá trình đó, doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ về chính sách, tư vấn hướng dẫn, kết nối nguồn lực… từ các bộ, ngành, Chương trình phát triển bền vững quốc gia; đồng thời là sự hỗ trợ của các tổ chức thông qua các dự án, các chương trình như: Green Financing, Eco-investing hay các hoạt động hợp tác đầu tư phát triển.

Được biết, hiện có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…

Mặt khác, trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

Song, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực, đầu tư của doanh nghiệp, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi xanh./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước