Thách thức quản lý mã số vùng trồng

Ngọc Thúy-Thứ bảy, ngày 23/09/2023 15:47 GMT+7

VTV.vn - Hiện khâu quản lý mã số vùng trồng, thậm chí việc xử lý vi phạm mã số vùng trồng vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng đạt thấp

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phân cấp cho các địa phương quản lý mã số vùng trồng từ tháng 3 năm nay, nhưng trên thực tế không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt.

Cả nước hiện có gần 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp để phục vụ xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng như: sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn, lúa, xoài... Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng chỉ vào khoảng hơn 40%, cơ sở đóng gói là 17%.

Khó khăn trong sử dụng, quản lý mã số vùng trồng

Gần đây, không ít lô hàng nông sản, trong đó có sầu riêng không được xuất khẩu do vi phạm về kiểm dịch thực vật. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn trong quản lý mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng sầu riêng VN-ĐLOR-0079 của ông Hưởng (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) và 61 hộ dân khác không hiểu vì sao đã bị một doanh nghiệp đánh cắp để xuất khẩu, trong khi sản lượng của gần 30 ha sầu riêng trong mã vùng trồng này chưa được bán cho đơn vị nào.

Thách thức quản lý mã số vùng trồng - Ảnh 1.

Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. (Ảnh: TTXVN)

"Có nhiều doanh nghiệp đã đến liên hệ và ký hợp đồng để thu mua nhưng tôi vẫn chưa ký xác nhận để họ xuất khẩu. Thông tin chính thống từ chính quyền địa phương là mã vùng trồng của chúng tôi đã được xuất bán qua Trung Quốc", ông Hồ Văn Hưởng, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk, cho biết.

Còn trường hợp của hợp tác xã Vạn Xuân lại khác,số lượng thương lái thu mua sầu riêng tăng cao bất thường và chào giá cao đã khiến không ít nông dân quay lưng với hợp tác xã và doanh nghiệp có hợp đồng liên kết từ đầu.

"Bà con có tâm lý lợi nhuận, nên xúc tiến thu mua là bà con muốn bán sớm cho an toàn. Bà con bán cho các thương lái nên không xây dựng được chuỗi giá trị đối với hợp tác xã với doanh nghiệp", ông Nguyễn An Thạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vạn Xuân, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, cho hay.

Nhiều cơ sở thu mua, kho, vựa sầu riêng không đúng quy định pháp luật đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hàng trăm container ra vào các cơ sở này mỗi ngày, với lượng thu mua sầu riêng rất lớn, khó xác định được lô hàng nào nằm ở mã vùng trồng nào, hay là sầu riêng giả mạo mã vùng trồng được trà trộn vào.

Đảm bảo công bằng trong sử dụng mã vùng trồng

Trước thực tế như câu chuyện ở Đắk Lắk, có thể thấy, khâu quản lý mã số vùng trồng, thậm chí việc xử lý vi phạm về mã số vùng trồng vẫn đang gặp không ít khó khăn. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này để có thể đảm bảo tính công bằng trong sử dụng mã số vùng trồng?

Diện tích nông sản được cấp mã vùng trồng mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng diện tích nông sản Việt Nam, do vậy khó tránh khỏi tình trạng có những doanh nghiệp gian lận, sai phạm trong sử dụng mã số vùng trồng để được xuất khẩu.

Tại diễn đàn mới đây về giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng và nông sản Việt Nam nói chung, làm thế nào để đảm bảo tính công bằng trong sử dụng mã số vùng trồng là điều các chuyên gia, cơ quan quản lý thẳng thắn nhìn nhận.

"Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về ngành hàng, đó là một trong những khó khăn khiến cho các cơ quan quản lý không có cơ sở để vào cuộc. Tôi kiến nghị làm sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chuẩn ngành hàng, phải có tính nghiêm minh của pháp luật, không chỉ riêng quả sầu riêng", ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, đề xuất.

"Mỗi chủ thể, mỗi người dân phải ý thức cao để tự giác tuân thủ và có sự giám sát trong cộng đồng. Nhà nước không thể kiểm tra, giám sát được tất cả nếu mỗi người không ý thức và chấp hành", ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhận định.

"Tính công bằng trong quá trình kiểm soát, sử dụng mã số vùng trồng, những đơn vị làm tốt thì sẽ được xuất khẩu thường xuyên, sẽ được ưu tiên trong xuất khẩu. Những đơn vị nào chưa tốt sẽ bị thu hồi/tạm dừng mã số", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho hay.

Bộ NN&PTNT đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng khuyến cáo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện.

Các biện pháp được đưa ra đều nhằm hướng đến việc đảm bảo công bằng trong sử dụng mã số vùng trồng. Điều này sẽ giúp nông sản Việt Nam không mất đi thị trường. Bảo vệ mã số vùng trồng là bảo vệ tài sản của nông dân và sự minh bạch, uy tín của nông nghiệp Việt Nam.

Thắt chặt kiểm soát mã số vùng trồng Thắt chặt kiểm soát mã số vùng trồng

VTV.vn - 370 lô hàng bị cảnh báo đều liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh, nhưng chế tài xử phạt chưa có.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước