Lãnh đạo TPHCM, các tỉnh, thành ĐBSCL và đại biểu tham dự Hội nghị. (bentre.gov.vn)
UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp UBND 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL. Với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các tập đoàn, doanh nghiệp tham dự hoạt động kết nối giao thương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Trần Ngọc Tam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trương Hùng)
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - Trần Ngọc Tam cho biết: Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, Hội nghị cũng là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Đối với tỉnh Bến Tre, việc tiếp tục thiết lập mối quan hệ hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ cho tỉnh khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy được những lợi thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bến tre tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình, nội dung thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bến Tre với Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, đảm bảo sự hợp tác đi vào chiều sâu, có chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất.
Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo,... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thị trường tiêu thụ lớn và là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Sự liên kết, hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giữ vai trò hết sức quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Liên kết sẽ giúp cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có của toàn vùng hiệu quả hơn. Ngoài ra, liên kết còn tạo ra quy mô kinh tế và năng lực cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Trong thời gian qua, các tỉnh, thành trong vùng đã tích cực phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành ĐBSCL và đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Trương Hùng)
Lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL đã tham luận các nội dung liên quan đến những kết quả trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL thời gian qua, đề ra giải pháp tiếp tục hợp tác chung trong thời gian tới.
Các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL luôn kỳ vọng Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 tiếp tục phát huy hiệu quả. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để vùng ĐBSCL triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng ĐBSCL, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi phát biểu kết luận. (Ảnh: Trương Hùng)
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi cho rằng sự hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL là mối quan hệ hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Trong các nội dung hợp tác chung nổi lên 3 vấn đề lớn: Kết nối giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL làm sao tập trung hơn, nhanh hơn. Thứ hai là kết nối cung cầu, đầu tư là việc rất quan trọng trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là thế mạnh của ĐBSCL là kinh tế nông nghiệp, cho nên phải tập trung phát triển cho lĩnh vực này. Thứ ba là hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực và y tế. Trong đó, cách thức triển khai là vấn đề quan trọng nhất
Ông Phan Văn Mãi đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cùng nhau phối hợp thật tốt; thật sự quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình hợp tác này; cần phân công cụ thể cho một Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh để trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác này, đồng thời chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao nhất. Quan tâm tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Hết sức quan tâm phát triển năng lực nội tại, phát huy hiệu quả các cơ chế liên kết nội vùng để cùng phát triển, mang lại sự phát triển nhanh nhất cho ĐBSCL, góp phần thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL quyết tâm đoàn kết hợp tác trong giai đoạn mới. (Ảnh: Trương Hùng)
Tại hội nghị này, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác, kết nối bao gồm 6 nội dung hợp tác chung bên cạnh các nội dung hợp tác riêng giữa các tỉnh với nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!