Ảnh: Financial Times.
Singapore, Tokyo và Thượng Hải là những phương án tiếp theo cho các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc tránh bão khỏi Hong Kong. Trong một bảng xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu đưa ra hồi đầu năm, ba thành phố này nằm ngay sau Hong Kong.
Trong số đó, Singapore được cho là có nhiều đặc điểm giống Hong Kong nhất. Hệ thống pháp luật minh bạch, thuế hấp dẫn và người dân sử dụng tiếng Anh đồng bộ. Đây cũng là một trong những trung tâm dịch vụ quản lý quỹ của châu Á.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, Singapore vẫn không đọ được với Hong Kong về cự ly, vì những doanh nghiệp này được lợi nhất khi họ ở gần Trung Quốc đại lục và chính quyền tại Bắc Kinh. Trong khi Singapore vẫn là một thị trường riêng biệt hoàn toàn.
Vì lý do địa lý này mà thị trường chứng khoán Singapore luôn có quy mô nhỏ hơn của Hong Kong, vì không hấp dẫn được các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tháng trước, thị trường xôn xao khi Hong Kong Trung Quốc đặt vấn đề mua lại Sở giao dịch chứng khoán London, Anh Quốc. Nhưng phía Anh đã từ chối lời đề nghị thâu tóm này. Thậm chí còn nói là muốn thông qua cửa ngõ Thượng Hải để tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn. Thượng Hải vốn đã là trung tâm tài chính của Trung Quốc đại lục, với thị trường chứng khoán vốn hóa lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng lại là vấn đề cự ly. Thượng Hải vẫn khiến các doanh nghiệp quốc tế e dè vì họ cho rằng sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp nội địa.
Tokyo, lựa chọn thứ 3, là thủ đô của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Ở đây quy tụ nhiều công ty trong nhóm Fortune 500 hơn bất kì thành phố nào. Đồng thời hệ thống luật pháp nghiêm ngặt cũng góp phần nâng cao uy tín của Tokyo. Thậm chí, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới Aramco của Saudi Arabia cũng đang đánh tiếng sẽ niêm yết ở đây. Nếu Tokyo thắng được vụ niêm yết lớn nhất lịch sử thế giới này, đây sẽ là một điểm cộng rất lớn.
Dẫu vậy, những điểm trừ của Tokyo chính là hàng rào ngôn ngữ, thủ tục visa, và đứng rất thấp trong danh sách những nơi sinh sống lý tưởng dành cho người nước ngoài.
Cho nên trước mắt, về vị trí địa lý, môi trường kinh doanh và ngôn ngữ, vẫn chưa có trung tâm nào của châu Á vượt qua được Hong Kong (Trung Quốc). Nhưng vị trí này sẽ vững tới mức nào, còn chờ xem sắp tới Hong Kong có vượt qua được cơn bão khủng hoảng hiện nay hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!