"Bản thân tôi đã thử sống một tháng ở Hà Nội không cần dùng tiền mặt. Và tôi hoàn toàn sống tốt. Tất cả các nhu cầu hàng ngày từ ăn uống, đi lại, mua sắm hoàn toàn có thể thực hiện qua smartphone thông qua hệ thống ngân hàng", ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết tại Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở".
Theo ông Long, trong tương lai không xa, với nền tảng và hệ thống dịch vụ thanh toán, người dân tại những thành phố thông minh hoàn toàn có thể sống mà không cần sử dụng đến tiền mặt.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết "sống tốt" với việc không dùng tiền mặt tại Hà Nội
Đại diện Napas hình dung về hành trình thanh toán trong một thành phố thông minh. Với một ngày bình thường, người dân có thể đi làm bằng Metro bằng cách dùng điện thoại đưa lên đầu đọc, tiền vé sẽ được trừ và tiền tích hợp trên điện thoại di động. Sau khi đến gần cơ quan, người dân đi xuống thực hiện ăn sáng, uống cafe và tiến hành thanh toán chuyển tiền qua ứng dụng của ngân hàng (quét mã QR).
Đến giờ nghỉ trưa, người dân có thể thanh toán tiền điện, tiền nước… thông qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại. Đến 14h00, khi làm việc, khách hàng có thể lên cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện đóng lệ phí cho doanh nghiệp. Hết giờ làm việc, khách hàng có thể di chuyển về nhà bằng xe bus được thanh toán qua điện thoại di động.
Hành trình thanh toán trong một thành phố thông minh trong tương lại không xa?
Theo ông Long, quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực ngân hàng tài chính cùng với việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt ở khắp nơi và trong mọi lĩnh vực đã tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.
Cũng liên quan đến việc thanh toán không tiền mặt trong đô thị thông minh, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột, là yếu tố thiết yếu trong việc kết nối các dịch vụ công và xã hội, cho phép tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tài chính sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh cùng phát triển trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Hệ thống này không chỉ đơn thuần phục vụ cho các giao dịch tài chính, mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, y tế , giáo dục đến giao thông.
"Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn, và hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, hiệu quả", ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột
Ông Hải cho biết đến tháng 9/2024, Hà Nội đã triển khai thành công 102 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thông minh ở các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình...; không chỉ giúp người dân thanh toán phí dịch vụ dễ dàng thông qua thẻ ngân hàng, mã QR hoặc ví điện tử mà còn giúp thành phố theo dõi và quản lý nguồn thu từ các bãi đỗ xe một cách minh bạch và hiệu quả. Từ khi triển khai, hệ thống đã ghi nhận hơn 550.000 lượt giao dịch với tổng số tiền thu về hơn 57 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng. Trong đó, qua kênh Internet đạt 1,72 tỷ giao dịch với giá trị đạt 42,08 triệu tỷ đồng; kênh điện thoại di động đạt 6,48 tỷ giao dịch với giá trị đạt 41,09 triệu tỷ đồng; giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!