Mới đây Chính phủ vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển như: Công nghệ Internet kết nối vạn vật, công nghệ thực tại ảo, công nghệ in 3 chiều (3D). Đây đều là những ứng dụng hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Còn với những lĩnh vực truyền thống, sức ép lúc này là định hướng lại, thậm chí còn phải chấp nhận điều chỉnh quy hoạch.
Năng lượng là một trong những lĩnh vực chịu sự điều chỉnh mạnh mẽ của công nghiệp 4.0. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than, gấp khoảng 3 lần hiện nay, chiếm một nửa tổng sản lượng điện sản xuất. Trong khi đó xu hướng công nghệ mới lại đang chuyển từ năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng "tái tạo mới" như mặt trời hay gió.
Còn ở khâu sản xuất, công nghệ càng tỏ rõ sức mạnh. Thời điểm này, chỉ với máy thùa đính cúc áo bán tự động đã cho năng suất gấp đôi sức của một người công nhân, trong khi chỉ mất chi phí ban đầu và sau một năm đã hoàn được vốn. Đã có cảnh báo, tới 80% công nhân may bị mất việc do các robot thay thế. Song điều này có xảy ra hay không sẽ còn phụ thuộc vào định hướng phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.
Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra sự thay đổi đột biến và triệt để. Nhân lực lành nghề, gia công hiện đại, năng lượng sạch hơn là hướng đi không thể làm khác, đặt ra yêu cầu quy hoạch ngành sẽ phải điều chỉnh theo sát từng chuyển biến của cuộc cách mạng công nghệ lần này. Đó cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!