Thấy gì từ việc Hải quan áp mã HS với gỗ ván ghép thanh?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 08/08/2020 12:12 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện về tên gọi của một mặt hàng gỗ xuất khẩu nóng lên tuần qua bởi nó không chỉ quyết định sự sống còn của DN, mà còn cho thấy hành xử của cơ quan chức năng với DN.

Một doanh nghiệp đột ngột bị áp thuế xuất khẩu 25% với mặt hàng ván ghép thanh, trong khi trước đó mức thuế là 0%. Quyết định của cơ quan Hải Quan về tên gọi của mặt hàng ván ghép thanh có thể quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Có hay không chuyện Hải quan áp sai mã HS đối với gỗ ván ghép thanh?

Sản phẩm ván ghép thanh đã qua bước gia công đủ sâu hay chưa, nếu chưa thì gọi là HS 4407, chịu thuế 25%, nếu rồi thì gọi là HS 4418, hưởng thuế 0%.

HS 4407 là "Các loại gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6mm. HS 4418 là các loại sản phẩm đồ mộc dùng trong xây dựng, kể cả tấm gỗ có lõi xốp, tấm lát sàn đã lắp ghép và ván lợp.

Bức xúc nảy sinh khi ngày 24/6, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu áp thuế 25% đối với sản phẩm ván ghép thanh cao su của Công ty Cát Tường. Với quy định bất ngờ này, không chỉ Cát Tường, mà một số doanh nghiệp khác cho biết không thể điều chỉnh ngay được giá xuất khẩu vì hợp đồng đã ký và bị tồn đọng hàng tại cảng biển.

Ngay sau khi nhận được kiến nghị từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đối với quyết định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo đối với Tổng cục Hải quan và ngay trong tuần qua, cơ quan này đã chủ trì thành lập đoàn kiểm tra đối thoại với doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai để đôi bên làm rõ quy trình sản xuất và những thắc mắc của doanh nghiệp.

Thấy gì từ việc Hải quan áp mã HS với gỗ ván ghép thanh? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết việc phân loại ván ghép thanh vào loại gỗ xẻ và chịu thuế 25% là không đúng.

Để sản xuất ra một tấm gỗ ván ghép thanh, DN mua của các công ty cưa, xẻ, sấy, cắt, bào và sau đó phải sử dụng nhân công, máy móc để cuối cùng ra được một tấm gỗ với kích cỡ theo đơn đặt của khách hàng nên không thể coi đây là nguyên liệu thô để bị áp thuế 25%. Thậm chí, doanh nghiệp còn đưa ra nhiều văn bản định nghĩa phù hợp với loại gỗ mà doanh nghiệp đang sản xuất để được hưởng mã thuế HS 44018, nghĩa là 0%.

Dù đồng ý với doanh nghiệp là gỗ ván ghép thanh quả thật phải trải qua một số công đoạn mới thành những tấm ván rộng, dài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên trước câu hỏi của cục kiểm định Tổng cục Hải Quan về việc doanh nghiệp có dám chắc chắn rằng sản phẩm của doanh nghiệp mình được hưởng thuế xuất 0% không, doanh nghiệp cũng chưa dám chắc chắn.

Chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn trong giai đoạn hiện nay khi bị áp thuế 25%, tuy nhiên đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho rằng doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa phân loại danh mục hàng hóa và chính sách thuế.

Yếu tố bất ngờ trong thay đổi chính sách

Vai trò của cơ quan quản lý Hải quan là cần làm đúng quy định luật để chống thất thu ngân sách nhà nước, qua đó hạn chế được tình trạng xuất thô, làm giảm giá trị gia tăng đối với gỗ và lâm sản Việt Nam. Đó là việc cần làm, phải làm và làm quyết liệt.

Thế nhưng, cách ứng xử ra sao đối với doanh nghiệp khi quyết định thay đổi chính sách lại là điều đáng bàn. Vấn đề trước tiên và quan trọng nhất là ở 2 chữ "bất ngờ".

Thấy gì từ việc Hải quan áp mã HS với gỗ ván ghép thanh? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đối diện khả năng bị đối tác thương mại phạt chậm giao hàng.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi thật sự bất ngờ khi không nhận được bất kỳ một thông báo trước nào của Tổng cục Hải quan. Các DN đang xuất khẩu với thuế suất bằng 0, nhưng từ tháng 6 năm nay DN gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn không thể xuất khẩu được gỗ ghép thanh".

Bất ngờ chính sách ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền, có những đơn hàng đã ký kết từ trước buộc phải tạm dừng. Doanh nghiệp ngay lập tức chịu áp lực bị phạt giao hàng muộn, mất uy tín, nỗi lo mất thị phần, thậm chí phá sản.

Ngành nông nghiệp và công thương cũng bất ngờ trước văn bản này và khẳng định từ trước đến nay, gỗ ghép thanh là mã 4418. Để bảo vệ mã HS cho sản phẩm này, Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản sang Bộ tài chính và sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Trước những phản hồi về sự bất ngờ trong thay đổi chính sách, chính đại diện Tổng cục Hải quan cũng không khỏi bất ngờ. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến và có phản hồi sau.

Rõ ràng, những quyết sách quá bất ngờ và thiếu sự tham vấn kỹ lưỡng không chỉ gây khó xử cho doanh nghiệp, mà còn gây khó xử cho chính cơ quan quản lý khi phải giải trình về quyết định của mình.

Thấy gì từ việc Hải quan áp mã HS với gỗ ván ghép thanh? - Ảnh 3.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết hiện sản phẩm ván ghép thanh bị ùn tắc tại nhiều cảng.

Có thể thấy, một quy trình ngược đang được áp dụng. Theo quy định, cơ quan quản lý cần tham vấn trước, từ đó có cơ sở để giải trình và cuối cùng là đưa ra quyết định chính sách, thế nhưng trong trường hợp này, quyết định được đưa ra trước, sau đó mới đi giải trình về quyết định này, cuối cùng mới tiếp thu ý kiến doanh nghiệp và bộ ngành khác.

Sau khi trải qua quy trình này, tín hiệu đáng mừng trước tiên cho doanh nghiệp gỗ là sau cuộc họp tại Đồng Nai, cơ quan Hải quan vẫn chấp thuận để doanh nghiệp tạm thời tiếp tục thông quan với mã HS 4418, tương ứng mức thuế 0%, cho tới khi có quyết định cuối cùng. Thế nhưng, đây cũng chính là lo ngại tiếp theo của doanh nghiệp. Đó là khi có quyết định cuối cùng và trong trường hợp doanh nghiệp phải nộp thuế 25%, liệu doanh nghiệp có bị truy hồi những khoản thuế không nộp hay không? Liệu những công hàng đang xuất và sắp xuất đi hoàn toàn không hay biết là chúng sẽ bị áp thuế hay không? Bởi thực tế đã cho thấy hồi tố là lo ngại xác đáng của doanh nghiệp.

Xét cho cùng, tất cả những rủi ro nêu trên đều là những yếu tố bất ngờ không mong muốn trong chính sách. Để hạn chế những bất ngờ như thế, cơ quan quản lý cần có sự lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, làm việc với các hiệp hội ngành hàng nhiều hơn. Đặc biệt, khi thực thi các chính sách pháp luật, cơ quan quản lý luôn phải tham vấn rộng rãi, do đó phải có một lộ trình. Cách tiếp cận như vậy sẽ đảm bảo công việc của cơ quan quản lý thuận lợi hơn và sẽ hạn chế được rủi ro cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

VTV.vn - Trước tình hình đình trệ xuất khẩu 2 mặt hàng gỗ dán và gỗ ghép thanh, sáng 5/8, Bộ NN&PTNT đã tổ chức buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước